Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng quy định kỹ thuật bay chụp và xử lý ảnh từ thiết bị bay không người lái phục vụ thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000
Trên thế giới đã phát triển rất nhiều loại thiết bị bay không người lái (UAV) khác nhau có thể phân loại theo thông số kỹ thuật và theo mục đích sử dụng. Theo thông số kỹ thuật, UAV được chia thành 5 loại: trọng lượng, độ bền và tầm bay, độ cao tối đa, sải cánh và công suất. Theo mục đích sử dụng UAV chia theo các dạng: trinh sát, chiến đấu, đa mục đích, trực thăng, truyền dẫn RADAR và giao hàng. Trong lĩnh vực đo đạc - bản đồ, UAV đang được áp dụng rộng rãi trong đo đạc, thành lập các bản đồ địa hình tỉ lệ lớn phục vụ trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật.
Ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều đơn bị trang bị UAV trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ như: Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu, Viện Khoa học đo đạc và bản đồ, Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Công ty TECOS… Các đơn vị trên tùy theo điều kiện tự trang bị cho mình hệ thống UAV của các hãng trên thế giới từ nhiều nước khác nhau như: M100-CT, Trimble UX5, Microdrone MD4-1000, Sensefly SwingletCAM, Ebee Sensefly, Avian, Geoscan... Hiện nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã trình Bộ ban hành các quy trình kỹ thuật, các văn bản hướng dẫn việc thành lập bản đồ địa hình, cơ sở dữ liệu bằng các nguồn ảnh hàng không, ảnh vệ tinh …Tuy nhiên, chưa có văn bản quy định kỹ thuật nào được xây dựng cho ảnh chụp từ UAV, vì vậy chưa có đủ các căn cứ pháp lý cho việc khai thác sử dụng các loại thiết bị này trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Từ thực tế trên, TS. Nguyễn Đại Đồng và các cộng sự tại Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng quy định kỹ thuật bay chụp và xử lý ảnh từ thiết bị bay không người lái phục vụ thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000” từ năm 2018 đến năm 2021.
Mục tiêu của đề tài là nhằm làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn công nghệ bay chụp ảnh từ thiết bị bay không người lái trong thành lập bản đồ địa hình. Đề xuất xây dựng quy định kỹ thuật bay chụp và xử lý ảnh từ thiết bị bay không người lái phục vụ thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000.
Đề tài đã triển khai thực nghiệm ứng dụng 02 thiết bị tàu bay không người lái trong thành lập bản đồ địa hình tại một số khu đo ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Gia Lai, Hòa Bình. Các kết quả thực nghiệm khẳng định khả năng của các thiết bị, tính đúng đắn của quy trình, quy định kỹ thuật đề xuất và độ chính xác của các sản phẩm phục vụ thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000 ở đồng bằng và trung du.
Đề tài đã hoàn thành các sản phẩm khoa học bao gồm:
1) Dự thảo tiêu chuẩn kỹ thuật đối với thiết bị bay không người lái sử dụng trong thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000;
2) Dự thảo quy định kỹ thuật bay chụp và xử lý ảnh từ thiết bị bay không người lái phục vụ thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000;
Kết quả của đề tài có tác động tốt đối với kinh tế - xã hội; đóng góp cho sự phát triển khoa học chuyên ngành trắc địa và bản đồ; góp phần quan trọng đưa công nghệ mới phục vụ cho sản xuất thực tiễn với mục tiêu hiện đại hóa ngành và giảm giá thành. Kết quả đề tài có thể sẵn sàng chuyển giao và áp dụng trong thực tế.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19663/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.