Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 27-05-2024

Phát hiện phần cứng gián điệp trong vi mạch chuyên dụng sử dụng phương pháp phân tích kênh bên

Hiện nay, vấn đề an ninh, an toàn hệ thống thông tin (bao gồm cả phần cứng, firmware và phần mềm) đang trở nên cấp bách, nhất là trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng. Trên thế giới, đã có rất nhiều nghiên cứu công bố về khả năng tin tặc có thể sử dụng các lỗ hổng an ninh cũng như các công cụ từ phần cứng, firmware tới phần mềm để can thiệp vào các hệ thống thông tin, gắn các chip và thiết bị gián điệp để thu thập thông tin bất hợp pháp cũng như tấn công các hệ thống này. Ở Việt Nam, nhu cầu về các giải pháp bảo đảm an toàn phần cứng đang trở nên cấp bách do việc gửi chế tạo vi mạch chuyên dụng (ASIC: Application Specific Integrated Circuits) tại nước ngoài, nhập ngoại các thiết bị điện tử và sử dụng (hoặc mua) các lõi IP trong thiết kế vi mạch từ một hãng thứ ba. Việc nghiên cứu về an toàn, bảo mật phần cứng cũng đã được quan tâm, nhưng mới đạt được một số kết quả ban đầu và cần được tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển thêm, đưa ra và ứng dụng các công nghệ có thể áp dụng trong thực tiễn.

Vì thế, PGS.TS. Hoàng Văn Phúc và nhóm nghiên cứu tại Học viện Kỹ thuật Quân sự đã thực hiện đề tài: “Phát hiện phần cứng gián điệp trong vi mạch chuyên dụng sử dụng phương pháp phân tích kênh bên” từ năm 2020 đến năm 2021.

Mục tiêu của đề tài là nhằm tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá, xây dựng báo cáo hồ sơ công nghệ và lựa chọn công nghệ phát hiện phần cứng gián điệp trong vi mạch chuyên dụng sử dụng phương pháp phân tích kênh bên; và đề xuất giải pháp triển khai nghiên cứu, làm chủ và phát triển công nghệ phát hiện phần cứng gián điệp trong vi mạch chuyên dụng và đánh giá mức độ an toàn phần cứng cho các thiết kế vi mạch chuyên dụng dùng trong lĩnh vực trên.

Đề tài đã đạt được các kết quả đặt ra mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Dù không thể thực hiện các đoàn ra khảo sát và học tập chuyên sâu nhưng nhóm thực hiện vẫn hoàn thành đầy đủ các kết quả nghiên cứu như đăng ký, trong đó có một số nội dung đạt vượt mức. Công nghệ phát hiện phần cứng gián điệp trong vi mạch chuyên dụng của hãng Secure-IC được lựa chọn trong đề tài này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các nhà cung cấp khác. Kết quả thử nghiệm cho thấy công nghệ được lựa chọn cho phép đạt tỷ lệ phát hiện từ 90% với kích thước phần cứng gián điệp chiếm 5% kích thước thiết kế chính.

Trong quá trình thực hiện đề tài, ngoài việc nghiên cứu khảo sát thì các tác giả cũng tiến hành các nghiên cứu làm chủ, tự xây dựng hệ thống thử nghiệm đánh giá công nghệ dựa trên trao đổi với đối tác. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19886/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 18
Hôm nay: 4705
Tổng lượt truy cập: 4.009.337
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!