Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 08-07-2024

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp thích ứng vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần cuối cùng của châu thổ sông Mê Công, bao gồm địa giới hành chính của 13 tỉnh/thành, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha (chiếm 79% diện tích toàn Châu thổ, bằng 5% diện tích toàn lưu vực sông Mê Công), dân số khoảng 17,5 triệu người (chiếm 20% dân số cả nước), dự báo đến 2050 khoảng 30 triệu người. Có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, với tiềm năng nông nghiệp to lớn, trong những năm qua, ĐBSCL luôn đóng góp trên 50% tổng sản lượng lương thực, hơn 90% tổng lượng gạo xuất khẩu và 75% lượng trái cây, 50% sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Vùng ngập lũ là cánh đồng trũng hoang hóa ngày xưa, nay đã được khai thác và trở thành một trong những vùng trọng điểm về sản xuất nguyên liệu gạo, nuôi trồng thủy sản, rau màu, và nhiều loại cây ăn trái khác với tổng diện tích khoảng 2 triệu ha (chiếm khoảng ½ diện tích toàn ĐBSCL), với dân số năm 2019 khoảng 9 triệu người, thuộc địa bàn của 8 tỉnh. Với đặc thù lũ của sông Mê Công hàng năm có mùa nước lên vào đầu tháng 8 và đỉnh lũ thường xuất hiện ở giữa tháng 10, lũ rút hết vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12. Lũ đến, vừa cải tạo môi trường sinh thái, làm đa dạng hóa sinh học, tái tạo đất, mang phù sa và phú dưỡng, nguồn cá nước lũ tự nhiên nổi tiếng (linh, lóc, lăng, cóc, bông lau, sặc rằng…), tạo nên một sức sống mới cho vùng ĐBSCL sau một năm sản xuất. Thế nhưng, đó là những câu chuyện của lịch sử, hiện nay lũ đã thay đổi khá nhiều, thời gian lũ đến ĐBSCL đang ngày một trễ hơn, đỉnh lũ càng ngày càng nhỏ hơn, và thời gian lũ rút cũng ngắn hơn. Tác động của biến đổi khí hậu, đập thượng nguồn và phát triển nội tại của vùng ĐBSCL đã và đang làm cho hệ sinh thái nông nghiệp ở vùng này chịu sự tác động lớn, mà cần thiết phải có sự rà soát, đánh giá, và chủ động các giải pháp để thích ứng, thích nghi, sửa chữa và nâng cấp, để đảm bảo có được hệ thống thủy lợi phù hợp cho điều kiện mới.

Chính vì lẽ đó, GS.TS. Lê Mạnh Hùng, cùng các công sự tại Viện khoa học thủy lợi miền nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp thích ứng vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long” nhằm đề xuất được quy mô vùng bao, cao trình, mặt cắt đê bao, bờ bao, công trình đảm bảo an toàn và mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp trong vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong quá trình thực hiện đề tài (từ 01/2018 - 12/2020), đề tài  thu được một số kết quả sau:

- Tính tới cuối năm 2019, các tỉnh vùng lũ ĐBSCL, hiện có khoảng 5.961 ô bao, với tổng diện tích được bao 1.388.175 ha, với tổng chiều dài đê bao, bờ bao là 38.896 km. Trong đó, có 4.129 ô bao kiểm soát lũ cả năm, với tổng diện tích được bao là 981.320 ha, chiều dài đê bao là 27.693 km; 1.832 ô bao kiểm soát lũ tháng 8, với tổng diện tích được bao là 406.854 ha, chiều dài đê bao là 11.203 km.

- Hiện có khoảng 4.129 ô bao kiểm soát lũ cả năm, với tổng diện tích 981.320 ha, với tổng chiều dài là 27.693 Km. Trong đó ô bao có quy mô lớn trên 500 ha là 375 ô bao, diện tích 386.605 ha, chiều dài 5.504 ha. Số lượng ô bao vừa (từ 300 – 500 ha) là 499 ô bao, diện tích 191.239 ha, chiều dài 4.805 Km. Số lượng ô bao nhỏ (từ 50 – 300 ha) là 2.782 ha, diện tích 387.208 ha, chiều dài 15.890 Km. Số lượng ô bao rất nhỏ (dưới 50 ha) là 473 ô bao, diện tích 16.268 ha, chiều dài 1.494 Km. Trong 473 ô bao dưới 50 ha thì tỉnh Đồng Tháp có nhiều nhất là 152 ô bao, tiếp đến là TP. Cần Thơ 118 ô bao, tỉnh Hậu Giang 57 ô bao, tỉnh Tiền Giang 53 ô bao, tỉnh Kiên Giang 31 ô bao, tỉnh Long An 28 ô bao, tỉnh Vĩnh Long 20 ô bao, và ít nhất là tỉnh An Giang với 14 ô bao.

- Trên cơ sở hiện trạng về ô bao và các tuyến trục đường giao thông, cần thiết phải xem xét để tiến hành gộp các ô bao dựa trên các tuyến đường giao thông hiện hữu, nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư bảo vệ đồng thời tăng diện tích sản xuất rộng hơn để phù hợp với các yêu cầu về sản xuất và cơ giới hóa.

- Nếu xảy ra lũ đặc biệt lớn (P=1÷5%) tại Kratie, tổng số ô bao bị mất an toàn ở vùng lũ ĐBSCL khoảng 1.100 + 100 ô bao, có tổng diện tích bị uy hiếp khoảng 310.000+ 50ha, các tỉnh chịu thiệt hại nhiều nhất là An Giang và Đồng Tháp. Tương ứng với kịch bản này, lũ được xem là thiên tai và vì vậy để giảm thiểu chúng ta cần tiến hành quản lý rủi ro thiên tai cho những vùng đã cảnh báo.

- Nếu xảy ra lũ tương ứng với năm 2000 hoặc 2011, số lượng ô bao bị mất an toàn khoảng 820+50 ô bao với tổng diện tích 210.000ha +10 ha, trong đó tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất là An Giang, Đồng Tháp, Long An.

- Nếu xảy ra lũ tương ứng với lũ năm 2018, số lượng bị mất an toàn khoảng 173 ô bao và diện tích mất an toàn khoảng 43.000ha, trong đó tỉnh thiệt hại nặng nhất là Hậu Giang (86 ô bao, với tổng diện tích 17.300ha), Vĩnh Long (29 ô bao, 5.439ha), Đồng Tháp (26 ô bao, 6.766 ha). Đây là kịch bản khá dễ xẩy ra, vì vậy các vùng và các tỉnh có ô bao được cảnh báo cần có kế hoạch duy tu sửa chữa.

- Đê bao tháng 8 chịu ảnh hưởng khi có lũ đầu vụ sớm tại Tân Châu ở mức +3,8m; 3,2m; 2,8m; thì số ô bao mất an toàn tương ứng 128 ô, 29 ô, 10 ô và diện tích thiệt hại tương ứng, 47.500ha, 12.300ha, 1.500ha. Xu hướng lũ tại Tân Châu đầu vụ xẩy ra nhiều ở mức +2,8m nhiều hơn, do vậy có 10 ô bao (7 ở An Giang và 3 ở Đồng Tháp) cần nâng cấp và rà soát điều chỉnh.

- Trên cơ sở tính toán kiểm tra với các tần suất lũ sớm tháng 8 và các tần suất lũ đặc biệt lớn, Vụ lúa Thu Đông cần cân đối để triển khai trong những năm lũ nhỏ. Trường hợp lũ vừa có thể triển khai nhưng phải gia tăng các ô trữ nước, xả nước tràn đồng quay vòng để đảm bảo cải tạo đồng ruộng, tăng trữ nước và bảo tồn hệ sinh thái lũ.

- Dự báo lũ 2050 sẽ tiếp tục nhỏ khi thượng nguồn tiếp tục xây dựng và phát triển đập thượng nguồn, nước biển dâng, sụt lún, khai thác cát ngày càng tăng cao, do vậy vùng ngập lụt ngày càng xuống vùng giữa sông (Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang), nếu lũ xẩy ra ở mức trung bình của giai đoạn 2008-2018 và nước biển dâng cao, nguy cơ ngập ô bao khoảng 801 ô bao với tổng diện tích khoảng 182.000ha.

Từ các kết quả phân tích thu được, đề tài đề xuất các giải pháp cho vùng thích nghi, vùng kiểm soát lũ theo thời gian và vùng kiểm soát lũ cả năm.

Ở vùng thích nghi lũ, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống đê tháng 8 đảm bảo an toàn khi có lũ ngập lớn đồng thời bổ sung thêm cống và trạm bơm để đảm bảo việc trữ lũ và lưu thông lũ tốt hơn cho vùng. Cần hoàn thiện 19 ô bao nằm ở ngoài vùng đê bao với tổng diện tích 7.043ha để ổn định sản xuất. Vùng này về mùa lũ hoàn toàn phải để ngập lũ, không được sản xuất trái cây trồng cạn trong mùa lũ. Ở vùng kiểm soát lũ theo thời gian, cần luân phiên xả nước, sử dụng hiện trạng hạ tầng về ô bao và bờ bao để tăng khả năng trữ nước trên đồng, 25 đồng thời tạo sinh kế thủy sản cho vùng này. Mặt khác, cần theo dõi diễn biến lũ thượng nguồn và thị trường để có được các kịch bản sản xuất tốt nhất. Rà soát lại hệ thống cống bọng để đảm bảo lấy được nhiều phù sa.Vùng kiểm soát lũ cả năm, cần rà soát và gộp các ô bao nhỏ nhằm đảm bảo yêu cầu sản xuất, tăng cường khả năng trữ nước trên kênh và trong ao vườn để chủ động nguồn nước tưới, tăng cao trình đỉnh đê (chi tiết đã thiết kế) để đảm bảo chống tràn do triều cường kết hợp lũ. Đê bao và bờ bao đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ sản xuất, tích trữ nước và sử dụng nước trong mùa lũ trên vùng ĐBSCL nhưng hiện nay chưa có các tiêu chuẩn để tính toán thiết kế đê đảm bảo vừa an toàn, vừa có được các quy mô phù hợp cho các loại hình sản xuất. Do đó cần bổ sung tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật phù hợp.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19869/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 16
Hôm nay: 2070
Tổng lượt truy cập: 3.962.755
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!