Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 17-07-2024

Nghiên cứu, áp dụng các phương pháp công nghệ thu hồi vàng bằng vi sinh và hóa học nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường

Giải pháp công nghệ sử dụng vi sinh xử lý quặng sulfide cho tách chiết vàng (quặng vàng thực thụ và vàng đi kèm) phù hợp với xu thế hiện đại (công nghệ xanh) và cần được phát triển ở nước ta. Đây là hướng nghiên cứu công nghệ mới, lần đầu tiên được triển khai ở nước ta với mục tiêu ứng dụng được vào thực tế khai thác chế biến quặng kim loại, trước hết là quặng vàng - sulfide và quặng sulfide chứa vàng. Với điều kiện thuận lợi về mặt khí hậu (nóng, ẩm), việc ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý quặng sulfide để tách chiết vàng có cơ hội phát triển và ứng dụng vào thực tế khai thác và chế biến quặng ở nước ta. Thành công của công nghệ này sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao khả năng khai thác vàng ở những mỏ có hàm lượng thấp, quặng khó xử lý mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Công nghệ sử dụng vi sinh oxy hóa quặng sulfide trong tách chiết thu hồi vàng ở nước ta đã thu được kết quả khả quan, bước đầu đối với loại quặng vàng - sulfide, nhưng mới thành công ở quy mô nhỏ (phòng thí nghiệm) và sử dụng các chủng vi sinh ngoại nhập. Vì thế, để có thể khẳng định chắc chắn khả năng ứng dụng thực tế sản xuất, cần có bước nghiên cứu để hoàn thiện quy trình công nghệ ở quy mô pilot. Thêm vào đó, cần tiến hành phân lập các chủng vi sinh tại chỗ và chọn lọc chủng vi sinh phù hợp cho triển khai mô hình thử nghiệm quy mô pilot và định hướng cho quy mô công nghiệp. Vì thế, TS. Phạm Ngọc Cẩn và nhóm nghiên cứu tại Viện Địa Chất đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, áp dụng các phương pháp công nghệ thu hồi vàng bằng vi sinh và hóa học cho các quặng sulfide - Au, quặng thiếc chứa Au, quặng thiếc - wolfram chứa Au và quặng antimon chứa Au nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường trong khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên” từ năm 2018 đến năm 2021.

Đề tài hướng đến thực hiện hai mục tiêu sau: xây dựng, hoàn thiện quy trình công nghệ và ứng dụng thành công công nghệ quy mô pilot sử dụng vi sinh và hóa học xử lý quặng và tách chiết thu hồi Au từ các loại quặng sulfide - Au và quặng thiếc chứa Au, wolfram-thiếc chứa Au và antimon chứa Au đối với một số kiểu quặng vàng nhất định; và đề xuất các giải pháp công nghệ ứng dụng vi sinh và hóa học vào thực tiễn khai thác và chế biến đối với một số kiểu quặng vàng nhất định trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa tiết kiệm và bảo vệ tài tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Đề tài đã thu được các kết quả như sau:

(1) Đã xác định đặc tính công nghệ cho 3 kiểu quặng: Au - sulfide, quặng thiếc-wolfram chứa vàng và quặng antimon chứa vàng.

(2). Đã phân lập được 99 chủng vi sinh vật bản địa từ 4 mỏ là đối tượng nghiên cứu. Từ các chủng trên đã tuyển chọn được 22 chủng để đưa vào thử nghiệm. Kết quả cuối cùng lựa chọn được 03 chủng thích hợp cho xử lý quặng sulfide-Au, thiếc-wolfram chứa Au, antimon chứa Au.

(3) Đã xây dựng được 02 quy trình xử lý quặng tinh và quặng đuôi sulfideAu bằng vi sinh bản địa ở quy mô pilot. Lần đầu tiên áp dụng thành công các chủng bản địa vào xử lý quặng đạt hiệu quả tốt.

(4) Đã thử nghiệm xử lý tinh quặng thiếc chứa Au và Sb chứa vàng bằng vi sinh đạt kết quả tốt.

(5) Đã xây dựng được 02 quy trình tách chiết thu hồi vàng từ quặng đã xử lý vi sinh kết hợp sử dụng có kiểm soát cyanua, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các kỹ thuật được sử dụng trong đề tài, cá biệt là những kỹ thuật vi sinh trong tách lọc quặng chứa vàng là mới, lần đầu tiên được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam. Việc phân lập, tuyển chọn và nuôi cấy thành công các chủng vi sinh vật từ các mỏ (chủng bản địa) có ý nghĩa khoa học quan trọng, chủ động tạo được nguồn chủng vi sinh vật giúp cho các cơ sở khai thác khoáng sản, đặc biệt là vàng có cơ hội áp dụng công nghệ vi sinh trong thu hồi vàng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Kết quả sử dụng vi sinh trong hòa tách thu hồi vàng quy mô pilot đã được đăng ký sở hữu trí tuệ (giải pháp hữu ích).

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19960/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 20
Hôm nay: 3385
Tổng lượt truy cập: 3.960.221
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!