Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 09-09-2024

Đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc và nghiên cứu bảo tồn, trồng trọt một số loài cây thuốc ở một số tỉnh vùng Tây Nam Bộ

Cây thuốc là nhóm tài nguyên thực vật có giá trị, liên quan trực tiếp đến bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc điều tra phân bố, đánh giá thực trạng trữ lượng của một số loại cây thuốc quý hiếm, có giá trị kinh tế cao ở một số tỉnh thuộc Tây Nam Bộ, từ đó đề xuất các giải pháp quy hoạch, khai thác sử dụng, bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, nhằm phát triển dược liệu, bảo tồn lưu giữ những nguồn gen quý, bảo vệ thiên nhiên môi trường, góp phần phát triển kinh tế từ nguồn dược liệu tại chỗ cũng là một trong những vấn đề cấp bách cần được quan tâm thích đáng trong chiến lược khai thác bảo tồn dược liệu ở Việt Nam.

 

Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Viện Dược Liệu do TS. Trần Minh Ngọc dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc và nghiên cứu bảo tồn, trồng trọt một số loài cây thuốc ở một số tỉnh vùng Tây Nam Bộ” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu điều tra, tư liệu hóa danh mục các loài cây thuốc thiết yếu có giá trị sử dụng, phân bố tại tỉnh Cà Mau và Kiên Giang; đánh giá hiện trạng, sinh trưởng phát triển, khai thác và sử dụng nguồn cây thuốc trọng tâm tại tỉnh Cà Mau và Kiên Giang bao gồm vườn Quốc Gia U Minh Thượng, huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất, vườn Quốc gia Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, vườn Quốc Gia U Minh Hạ tỉnh Cà Mau; và bảo tồn ex situ một số loài cây thuốc có triển vọng trên các vùng phân bố chủ yếu tại các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.

Đề tài đã thu được một số kết quả như sau:

(1) Điều tra thành phần loài thực vật làm thuốc tại 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang Mau đã xác định được 1.130 loài thuộc, 565 chi, 153 họ thuộc 6 nghành thực vật bậc cao có mạch có giá trị làm thuốc trong đó tỉnh Cà Mau đã xác định được 229 loài, 185 chi, 81 họ thuộc hai ngành thực vật bậc cao có mạch cho khu hệ thực vật có giá trị làm thuốc. Tỉnh Kiên Giang đã xác định được 1.124 loài cây thuốc thuộc 562 chi, 152 họ, 9 lớp, 6 ngành thực vật có giá trị làm thuốc cho khu hệ thực vật. Đặc biệt nghiên cứu này có đóng góp một phần ý nghĩa về mặt công bố khoa học là bổ sung thêm được 03 loài mới cho hệ thực vật Việt Nam (Artabotrys suaveolens (Blume) Blume, Curcuma sparganiifolia Gagnep, Didymocarpus phuquocensis N.S. Lý, T.L. Tran & N.G. Cao, sp. nov.) trong đó có 01 loài lần đầu tiên nghi nhận cho cả hệ thực vật thế giới (Didymocarpus phuquocensis N.S. Lý, T.L. Tran & N.G. Cao, sp.nov.).

(2) Việc gây trồng và phát triển nguồn dược liệu ở Cà Mau còn nhiều bất cập, chủ yếu mang tính tự phát trong các hộ gia đình. Tại Cà Mau, trong mấy năm qua rộ lên phong trào trồng cây nhàu. Các huyện trồng nhiều nhàu nhất là Thới Bình, U Minh và huyện Phú Tân. Hiện toàn tỉnh có khoảng 80ha trồng nhàu nhưng chủ yếu trồng trên đất vườn, bờ vuông, bờ liếp... Dược liệu tại Cà Mau chủ yếu là thu hoạch song và băm phơi, các nhà thuốc có sao, tẩm để phù hợp với vị thuốc điều trị.

(3) Điều tra hiện trạng tình hình kinh doanh, sử dụng dược liệu tại Cà Mau chỉ có duy nhất 1 công ty dược liệu là: Công Ty Cổ phần Dược Minh Hải tại Số 332, đường Lý Văn Lâm, Phường 1, Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau tuy nhiên công ty này không sử dụng dược liệu. Trên địa bàn có 61 cơ sở thu mua trái nhàu tươi (trong đó huyện Thới Bình có 25 cơ sở, huyện U Minh có 9 cơ sở, huyện Phú Tân có 9 cơ sở…). Số lượng thu mua trung bình ở các cơ sở khoảng 0,2-1 tấn trái nhàu tươi/ngày.

(4) Khi điều tra trữ lượng một số loài cây thuốc tại vườn quốc gia U Minh Hạ đã xác định được 22 loài cây thuốc trong 19 chi thuốc 16 họ thực vật bậc cao có mạch có trong các OTC đo đếm ở VQG U Minh Hạ. Số họ cây thuốc trung bình/ha ở VQG U Minh Hạ là 33,3, cao nhất là 66,7 và thấp nhất là 11,1. Số chi và loài của cây thuốc là trung bình/ha là 34,9 cao nhất là 77,8 thấp nhất 11,1 ở mỗi nhóm. Trong đó có 4 loài cây thuốc chiếm ưu thế quan trọng trong hệ sinh thái rừng U Minh Hạ loài có giá trị kinh tế, có trữ lượng tiềm năng khai thác cao là Tràm (Melaleuca cajuputi) 85,6 tấn/ha, mật độ 2788,89 cây/ha; Ba chạc (Melicope pteleifolia) 7,82 tấn cành lá/ha, mật độ 737,50 cây/ha; Câu đằng (Uncaria scandens) 4,04 tấn/ha, 200 cây/ha; Dây choại (Stenochlaena palustris) 0,32 tấn/ha, 506,67 cây/ha; Vác (Cayratia trifolia) 0,5 tấn/ha, 137,50 bụi/ha.

(5) Thu thập các loài cây dược liệu có tiềm năng tại một số vùng sinh thái đặc thù của khu vực nghiên cứu, thu thập các cây mẹ đạt tiêu chuẩn để xây dựng vườn giống gốc phục vụ quá trình nhân giống, mở rộng diện tích trồng trọt. Đã xây dựng được 6 quy trình nhân giống: 2 quy trình nhân giống hữu tính (bá bệnh và bí kỳ nam) và 4 quy trình nhân giống vô tính (2 loài thiên niên kiện); rau đắng biển và bình vôi. Các quy trình đã được Hội đồng thẩm định và được Viện Dược liệu ban hành.

(6) Nghiên cứu xây dựng mô hình 4 trồng và sơ chế biến một số loài cây dược liệu tiềm năng theo GACP-WHO tại hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang (2 loài thiên niên kiện; rau đắng biển và bá bệnh). Các quy trình đã được ban hành. Tuy nhiên, cây bá bệnh là cây lâu năm nên đề xuất chưa ban hành quy trình bá bệnh.

(7) Đã tiến hành chiết xuất được 284 mẫu cao ethanol 75% từ 284 mẫu dược liệu được thu hái tại Cà Mau và Kiên Giang. Đã chiết được 228 mẫu cao chiết nước và ethanol 75% từ 114 dược liệu trong đó có 101 mẫu cao chiết nước có khối lượng > 200 g cao chiết nước /dược liệu và 102 mẫu cao chiết ethanol có khối lượng > 200 g cao chiết ethanol 75%/dược liệu. Từ các kết quả này sẽ làm tiền đề cho các nghiên cứu sâu về thành phần hóa học, hoạt tính sinh học để từ đó sàng lọc ra các dược liệu có tiềm năng ứng dụng trong việc sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng... Từ đó góp phần hỗ trợ phòng và trị bệnh cho cộng đồng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20082/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 5283
Tổng lượt truy cập: 3.949.206
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!