Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 16-09-2024

Nghiên cứu địa tầng - trầm tích và địa mạo Pliocen - Đệ tứ khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông và kế cận

Thềm lục địa Việt Nam và các trũng sâu Biển Đông là nơi giàu tài nguyên khoáng sản. Trong những năm qua, dầu khí là loại hình khoáng sản đã được tìm kiếm, thăm dò và khai thác tương đối rầm rộ, mang đến cho chúng ta hiểu biết nhất định về tiềm năng của loại hình khoáng sản này. Trong khi đó các tài liệu về khoáng sản rắn còn ít được quan tâm nghiên cứu. Các tài liệu đo địa vật lý, tài liệu khảo sát tầng mặt và các giếng khoa thăm dò dầu khí đã xác định được dưới đáy Biển Đông nói chung và khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông nói riêng tồn tại nhiều địa hình núi lửa được hình thành từ giai đoạn Neogen trở lại đây. Việc này cũng đồng nghĩa với việc có nhiều khả năng đi kèm với các loại hình khoáng sản rắn như sắt, mangan, coban, đất hiếm… được hình thành trực tiếp từ vật liệu núi lửa hoặc kết tủa từ môi trường nước biển.

Nhận định này đã được kiểm chứng từ một số mẫu kết hạch trong một số mẫu kết hạch thu được trong các chuyến khảo sát trước đây của Viện Hàn lâm Khoa học Nga - Chi nhánh Viễn Đông. Song nghiên cứu chi tiết về điều kiện thành tạo, diện phân bố cũng như các tiền đề và dấu hiện tìm kiếm đối với loại hình khoáng sản rắn trong các thành tạo trầm tích Pliocen - Đệ tứ ở khu vực Tây Nam trũng sâu chưa thực hiện được. Vì thế, GS. TS. Đặng Văn Bát cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu địa tầng - trầm tích và địa mạo Pliocen - Đệ tứ khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông và kế cận” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu xác lập khung địa tầng thống nhất và phân chia địa tầng Pliocen - Đệ tứ cho phần khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông và kế cận; làm sáng tỏ các đặc điểm địa mạo và cổ địa mạo Pliocen - Đệ tứ khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông và kế cận; làm sáng tỏ thành phần vật chất, các điều kiện hóa lý, tướng, cổ địa lý các trầm tích Pliocen - Đệ tứ; và xác lập các tiền đề thạch học, địa tầng và địa mạo phục vụ đánh giá triển vọng, định hướng công tác điều tra khoáng sản rắn.

Từ những kết quả nghiên cứu trên về khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông và kế cận, có thể rút ra một số kết luận như sau:

1. Địa hình khu vực nước sâu Tây Nam Biển Đông phản ánh rõ cấu trúc địa chất của vỏ Trái đất bao gồm thềm lục địa, sườn lục địa, đáy biển sâu và đới tách giãn.

2. Căn cứ vào đặc điểm hình thái địa hình, tác giả chia địa hình khu vực nghiên cứu thành 06 đơn vị cụ thể như sau: đồng bằng Tây Bắc, sườn dốc phía Đông thềm lục địa Việt Nam, đồng bằng trung tâm, trũng sâu tách giãn, dãy núi ngầm rìa Tây Bắc trũng sâu, dãy núi ngầm rìa Đông Nam trũng sâu. Trong đó tên gọi các đợn vị được đặt tên theo vị trí tương đối ở khu vực.

3. Các nhân tố nội sinh đóng vai trò khống chế sự hình thành địa hình đáy biển gồm: các yếu tố cấu trúc-kiến tạo, hoạt động kiến tạo, các hoạt động phun trào xảy ra trong giai đoạn thành tạo địa hình-Kainozoi.

4. Bản đồ địa mạo đáy biển khu vực nghiên cứu và các bản đồ cổ địa mạo đều thấy rằng địa hình khu vực được phát triển mang tính chất kế thừa từ Miocen đến hiện nay. Trong đó một số đơn vị địa mạo điển hình là các núi ngầm đỉnh phẳng (Gaiot) phân bố ở phía Tây và Đông Nam vùng nghiên cứu núi lửa Đình Trung và địa hình phân dị ở Đông Nam của vùng là những khu vực quan trọng định hướng cho việc tìm kiếm khoáng sản rắn.

5. Cột địa tầng Pliocen-Đệ tứ được thành lập theo phương pháp hóa địa tầng dựa trên các số liệu địa hóa của các giếng khoan sâu đại dương ODP-1143, giếng khoan nông SO18383, mẫu ống phóng kết hợp với việc liên kết, đối sánh với địa tầng các giếng khoan dầu khí và phân chia địa tầng Đệ tứ cho vùng biển nông ven bờ đã cho phép phân chia địa tầng Pliocen - Đệ tứ một cách chi tiết hơn.

6. Đặc điểm trầm tích Pliocen - Đệ tứ của khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông có những đặc điểm khác biệt khá rõ ràng so với khu vực nước nông trên thềm lục địa và ven bờ. Trầm tích ở đây có chiều dày và diện phân bố thay đổi nhiều bởi sự hiện diện và phân cắt bởi các núi lửa ngầm tạo thành các trũng riêng.

7. Khoáng sản rắn đáy biển ở khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông có đặc trưng địa hóa tương đối khác so với các cấu trúc sinh khoáng của toàn bộ biển Đông và Thái Bình Dương. Khoáng hóa ở đây nghèo các nguyên tố cobal, platin, kim cương, sunfua đặc xít, thay vào đó chủ yếu là khoáng hóa sắtmangan. Khoáng hóa Fe-Mn tồn tai ở cả hai dạng là kết hạch và kết vỏ.

8. Định hướng cho công tác tìm kiếm khoáng sản rắn trên địa hình đáy biển hiện tại tập trung vào các vùng sau đây:

- Vùng thứ nhất là khu vực núi lửa Đình Trung

- Vùng thứ hai là khu vực Đông Nam vùng nghiên cứu

- Vùng thứ ba là các núi ngầm đỉnh phẳng ở phía Tây và phía Đông Nam vùng nghiên cứu.

Đây là nghiên cứu đầu tiên nhận diện loại hình khoáng sản rắn một cách có hệ thống và đầy đủ về các đặc điểm địa tầng, thành phần thạch học trầm tích, địa mạo, magma, kiến tạo, điều kiện hóa lý và nguồn gốc thành tạo khoáng sản để từ đó xác lập nên các tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm phục vụ cho công tác khoanh vùng, đánh giá triển vọng khoáng sản rắn.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20087/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 26
Hôm nay: 1066
Tổng lượt truy cập: 3.491.867
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!