Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 30-09-2024

Nghiên cứu khả năng hạ đường huyết của cây dền gai

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả ở Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trong cây dền gai có hoạt tính chống oxy hóa và ức chế enzym alpha-glucosidase, có thể phát triển thành sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.

Hiện nay, Việt Nam đã có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.

Để giảm thiểu các triệu chứng cũng như làm chậm diễn tiến của bệnh, việc dùng thuốc suốt đời là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các tác dụng phụ của các liệu pháp trị đái tháo đường cũng gây ra nhiều lo ngại cho bệnh nhân như sưng cánh tay, chân, tăng cân, hạ đường huyết, kéo theo các triệu chứng đi kèm như đổ mồ hôi nhiều, chóng mặt, choáng váng, run rẩy, nhịp tim nhanh, mờ mắt, nói lắp,… Vì vậy, bệnh nhân đang có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, để điều trị đái tháo đường như mướp đắng, dây thìa canh, hoài sơn, diệp hạ châu, giảo cổ lam, mã đề,…

Dền gai là một dược liệu phổ biến trong y học cổ truyền Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á với những công dụng như điều trị bệnh lý đái tháo đường, viêm dạ dày ruột, lợi tiểu, điều hòa kinh nguyệt, hạ sốt, viêm phế quản,... Chính vì vậy, dền gai dần trở thành mục tiêu nghiên cứu tiềm năng của các nhà khoa học trên thế giới.

Tại Việt Nam, dền gai mọc và phân bố ở khắp các tỉnh thành. Cây rất dễ sống và thích nghi với những điều kiện sống khắc nghiệt. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về loài cây này. Người dân địa phương chỉ biết sử dụng theo những kinh nghiệm dân gian như chữa lỵ, ứ huyết, thanh nhiệt,.... Những năm gần đây, dền gai mới được các nhà khoa học Việt Nam quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về tác dụng dược lý và thành phần hóa học.

Dền gai, một loại dược liệu tiềm năng. Ảnh: Internet

Để cung cấp thông tin khoa học giúp phát triển dền gai cho ngành dược phẩm, nhóm tác giả ở Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã thực hiện nghiên cứu khảo sát hoạt tính chống oxy hóa và ức chế enzym alpha-glucosidase của loài dược liệu này.

Dền gai thu mua ở Ninh Thuận đươc làm sạch, loại bỏ đất cát, phần sâu bệnh và sấy ở 60 độ C, xay thành bột, rồi chiết xuất bằng phương pháp ngấm kiệt với ethanol 96%. Dịch chiết thu được cô đến đậm đặc, sau đó phân tán vào nước và tiến hành chiết lỏng, cô thu hồi dưới áp suất giảm, để thu được các cao phân đoạn. Kết thúc quá trình chiết, thu được năm cao phân đoạn: PE (18,53 g), CF (1,23 g), EA (3,70 g), BU (4,16 g), N (4,69 g).

Kết quả khảo sát cho thấy, cây dền gai có các hợp chất như alkaloid, flavonoid, tannin, triterpenoid, saponin, coumarin, anthocyanosid, chất béo, tinh dầu, carotenoid, các acid hữu cơ, chất khử, polyuronic,…

Tiếp theo, nhóm thử hoạt tính chống oxy hóa bằng phương pháp DPPH, xác định hoạt tính chống oxy hóa bằng cách đo quang ở bước sóng 517 nm cũng như thử hoạt tính ức chế enzym αglucosidase của các cao. Enzym α-glucosidase được ruột non tiết ra trong quá trình thủy phân tinh bột, các chất ức chế enzym này có tác dụng làm chậm quá trình giải phóng đường đôi (gồm có hai phân tử là glucose và fructose) và oligosaccharid (một loại carbohydrate được tìm thấy tự nhiên trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Sau quá trình tiêu hóa thức ăn, đường đôi sẽ được phân hủy thành đường đơn glucose và fructose, trước khi cơ thể có thể hấp thụ được. Quá trình giải phóng đường đôi chậm giúp hạn chế sự gia tăng quá mức của đường huyết (glucose) sau khi ăn. Người đái tháo đường hạn chế sử dụng các đường đơn, gây tăng nhanh đường huyết sau ăn.

Kết quả, tỷ lệ hoạt tính chống oxi hóa (HTCO) của các cao tăng, khi nồng độ tăng, chứng tỏ khả năng chống oxy hóa phụ thuộc vào nồng độ của cao. Ở nồng độ 1.024 μg/mL các mẫu cao thử nghiệm đều ức chế trên 50%, chứng tỏ khả năng hiện diện của những chất có hoạt tính ô xy hóa. Bên cạnh đó, cao toàn phần và ba cao phân đoạn (cao CF, cao EA, cao BU) có IC50 dưới 1000 μg/mL. Giá trị IC50 (nồng độ ức chế tối đa một nửa) là một thước đo trong việc ức chế một chức năng sinh học hoặc hóa sinh đặc biệt. Các mẫu có giá trị IC50 càng thấp thì hoạt tính chống oxy hóa càng cao.

Trong đó, cao CF ức chế tốt nhất với giá trị IC50 = 239,25 μg/mL, tốt hơn so với acarbose (một loại thuốc điều trị đái tháo đường). Tiếp đến là cao BU với IC50 = 303,04 μg/mL, tương đương acarbose và cao EA với IC50 = 364,07 μg/mL. Như vậy cao CF, cao BU và cao EA có tiềm năng ức chế enzym α-glucosidase, một cơ sở cho việc phát triển thành các sản phẩm hỗ trợ điều trị đái tháo đường.

Nghiên cứu của nhóm được công bố trên Tạp chí KH&CN Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, số 1/2024.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 5993
Tổng lượt truy cập: 3.949.916
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!