Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Chuyển đổi số

Ngày đăng: 21-12-2022

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cho các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang ở giai đoạn đầu của sự chuyển đổi số. Điều này cho thấy sự cần thiết của các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy cho khu vực này phát triển và tiếp cận chuyển đổi số cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng, đổi mới công nghệ.

Hội nghị "Ứng dụng KHCN, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường cho các hợp tác xã

Ngày 19/12, tại An Giang, được sự thống nhất của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp Liên minh HTX tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị "Ứng dụng KHCN, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường cho các hợp tác xã".

Tính đến nay, cả nước có 27.266 HTX, trong đó có 17.509 HTX nông nghiệp, 9.757 HTX phi nông nghiệp với gần 2.000 HTX tiểu thủ công nghiệp. Tổng số thành viên HTX là hơn 10 triệu người cùng với hơn 2 triệu lao động.

Mặc dù có sự tăng trưởng về lượng nhưng chưa thực về chất, quy mô của HTX có tăng lên, nhưng phần lớn quy mô nhỏ, công nghệ, máy móc, thiết bị còn lạc hậu; thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu thông tin thị trường và khả năng kết nối cung cầu công nghệ, thương mại.

Một thực tế là các nền tảng ứng dụng chuyển đổi số phục vụ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, HTX trên thị trường hiện nay rất nhiều nhưng phân tán, rời rạc, thiếu tính đồng bộ, chưa thuận tiện và phù hợp cho các HTX tiếp cận và áp dụng, đặc biệt là thành viên đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cho các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi - Ảnh: VGP/HG

Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, năm 2022, Viện đã tổ chức điều tra 200 HTX trên quy mô cả nước. Kết quả cho thấy, về mức độ tự động hóa của thiết bị sản xuất, 70% HTX không có thiết bị, trong số 30% HTX có thiết bị thì chỉ có 7% HTX có thiết bị hoạt động theo chế độ tự động (chương trình cố định hoặc chương trình linh hoạt) chủ yếu là các hệ thống tưới tự động, còn lại 23% HTX có thiết bị bán tự động (các thiết bị tương đối cũ).

Như vậy, có thể thấy hiện trạng công nghệ sản xuất ở mức trung bình và tương đối đồng đều. Mức độ đầu tư, đổi mới thiết bị của các HTX còn thấp.

Ngoài ra, các HTX khu vực đồng bào DTTS và miền núi đang ở giai đoạn đầu của mức 2 trong 5 mức tức là giai đoạn đầu của sự Bắt đầu chuyển đổi số và còn khoảng cách rất xa mới chạm được Mức 3 của thang điểm đánh giá này.

Kết quả này cũng đồng thời cho thấy sự cần thiết và cấp bách hiện nay của các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy cho khu vực này phát triển và tiếp cận chuyển đổi số, thương mại điện tử cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng và đổi mới công nghệ sản xuất.

Đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tại Hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và đặc biệt là ý kiến của khu vực HTX và thành viên đồng bào vùng DTTS và miền núi đã đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả về công tác tư vấn, hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng KHCN mới vào sản xuất, bảo vệ môi trường nói chung và chuyển đổi số, thương mại điện tử nói riêng cho khu vực kinh tế tập thể, HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho khu vực HTX.

Việc nâng cao trình độ quản lý và đẩy mạnh ứng dụng đổi mới KHCN, chuyển đổi số vào sản xuất trong bối cảnh thiếu lao động ở khu vực nông thôn hiện nay là hướng đi tất yếu bảo đảm giải quyết bài toán động lực cho các HTX thay đổi năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh việc chủ động triển khai các dự án chuyển đổi số công tác quản lý, điều hành của cơ quan Liên minh HTX Việt Nam, trong những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã huy động nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình KHCN, bảo vệ môi trường, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong đó có ứng dụng đổi mới KHCN, thúc đẩy chuyển đổi số.

Hằng năm, các bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam đã tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, thành viên HTX về nâng cao năng lực ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, quản trị sản xuất, kinh doanh…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, trong công tác hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh HTX, ngoài đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng thì đòi hỏi cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tính hiệu quả, lợi ích của chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời xây dựng, ban hành được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy trên toàn hệ thống về nâng cao năng lực, đầu tư hạ tầng và xây dựng, lựa chọn được một hệ sinh thái các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số phù hợp cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025, Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam được giao thực hiện nội dung "Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" thuộc tiểu dự án 2 trong dự án 10 về "Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi" cho tất cả các đối tượng là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và đặc biệt là thành viên đồng bào vùng DTTS và miền núi.

Trong đó, đánh giá hiện trạng công nghệ và mức độ chuyển đổi số của các HTX và thành viên vùng đồng bào DTTS và miền núi là hoạt động trọng tâm của dự án "Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".

Các kết quả của đánh giá này sẽ là căn cứ khách quan và sát thực để các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan hỗ trợ HTX như Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX cấp tỉnh đề xuất triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi một cách hiệu quả.

https://baochinhphu.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 14
Hôm nay: 1515
Tổng lượt truy cập: 3.954.844
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!