Những giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số
Đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của từng công dân.
Cần thực hiện các giải pháp tăng cường nhằm bảo đảm an toàn thông tin, đảm bảo tính bảo mật, toàn vẹn và sẵn sàng cho các hệ thống thông tin quan trọng. Ngoài ra, cần có các quy định và pháp luật rõ ràng, cũng như nâng cao nhận thức cho người dân.
Đối với cơ quan nhà nước
Tăng cường đào tạo, nâng cao chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về an toàn thông tin và chuyển đổi số.
Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về an toàn thông tin và chuyển đổi số. Các quy định pháp lý và chính sách này cần đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và thích hợp với tình hình thực tế của đất nước. Cụ thể, cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện nội dung của Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 26/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; Các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước trên toàn quốc cần phải được kiểm tra và xây dựng với cấp độ an toàn phù hợp
Tăng cường hợp tác quốc tế để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn thông tin và chuyển đổi số tại các quốc gia khác; Xây dựng và triển khai các chính sách, quy trình, quy định về quản lý dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu nhạy cảm; Tăng cường thông tin và tuyên truyền về an toàn thông tin đến người dân, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thông tin và những mối đe dọa tiềm ẩn liên quan đến an ninh mạng.
Đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số là trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và của từng công dân.
Thành lập đội ứng cứu sự cố chuyên trách về an toàn thông tin mạng tại các đơn vị, tham gia vào Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia, đồng thời triển khai các hoạt động theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; Đẩy mạnh hoạt động diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên ít nhất một lần mỗi năm và sử dụng kết quả để đánh giá năng lực của đội ứng cứu sự cố hàng năm.
Đối với doanh nghiệp
Xây dựng và triển khai chính sách, quy trình, quy định về an toàn thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, đảm bảo sự hiểu biết và tuân thủ bởi toàn bộ nhân viên; Nâng cao năng lực và kiến thức về an toàn thông tin của nhân viên thông qua các khóa đào tạo, tập huấn về cách phòng chống các cuộc tấn công mạng và xử lý sự cố an ninh mạng.
Tăng cường đầu tư vào các giải pháp bảo mật thông tin, như phần mềm chống virus, hệ thống tường lửa, phân tích và quản lý rủi ro; Đảm bảo an toàn cho các ứng dụng và dịch vụ trên nền tảng số, đặc biệt là các hệ thống quản lý khách hàng, quản lý sản phẩm, thanh toán điện tử và các hệ thống liên kết khác; Tăng cường giám sát và bảo vệ dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu khách hàng và thông tin nhạy cảm của doanh nghiệp, đảm bảo tính bảo mật và riêng tư cho dữ liệu; Hợp tác với các cơ quan chuyên trách về an toàn thông tin và các đối tác kinh doanh để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đảm bảo tính bảo mật và riêng tư cho dữ liệu và các giải pháp về an toàn thông tin.
Thực hiện kiểm tra, đánh giá và cải tiến liên tục hệ thống an toàn thông tin, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thông tin; Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp hiện đại như trí tuệ nhân tạo, học máy, Zero Trust,… vào vận hành và đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin; Đảm bảo an toàn thông tin cho các nền tảng ngay từ khâu thiết kế dựa trên “Khung phát triển phần mềm an toàn (phiên bản 1.0)” đã được Cục An toàn thông tin ban hành. Cùng với đó, cần đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp và thường xuyên kiểm tra kết nối và chia sẻ thông tin với các hệ thống quốc gia.
Chủ động tham gia vào Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia và sử dụng Nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia để nhận được sự hỗ trợ xử lý kịp thời các sự cố gây mất an toàn thông tin mạng cho các hệ thống trong quá trình vận hành.
Đối với người dân
Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân và tránh những hành động gây nguy hiểm cho hệ thống thông tin; Sử dụng các phần mềm bảo mật và cập nhật thường xuyên để bảo vệ máy tính và thiết bị di động khỏi các mối đe dọa mới nhất; Sử dụng mật khẩu an toàn, khó đoán bao gồm các ký tự đặc biệt để bảo vệ tài khoản cá nhân trên các dịch vụ trực tuyến.
Tránh sử dụng các mạng không an toàn để truy cập thông tin cá nhân hoặc các dịch vụ trực tuyến quan trọng; Kiểm tra tính xác thực của thông tin trước khi chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội; Báo cáo cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ nếu phát hiện có vấn đề liên quan đến an toàn thông tin trong các hệ thống thông tin.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân. Các tổ công nghệ số cộng đồng cần tận dụng các tài liệu hướng dẫn mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp để tuyên truyền trong nhân dân.
https://vietq.vn/