Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững
Ông NGUYỄN VĂN TƯỜNG - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn
-Thưa ông! Những năm qua, tỉnh Quảng Trị xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị; là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; là mục tiêu và động lực tăng trưởng kinh tế; giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội của địa phương. Nhân dịp này, đề nghị ông cho biết một số kết quả đạt được về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị?
-Có thể thấy, trong phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tỉnh đến nay đã kết nối với Trung tâm giám sát quốc gia về chính phủ số và đã chuyển đổi sang công nghệ IPv6. Quảng Trị đã hợp nhất cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh tạo thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh; đã cung cấp 748 DVCTT một phần và 973 DVCTT toàn trình; đã đăng ký triển khai tích hợp công khai 1.126 DVCTT của tỉnh lên cổng Dịch vụ công quốc gia. Văn phòng UBND tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành triển khai kết nối liên thông Hệ thống giải quyết TTHC tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thanh toán quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, phần mềm chuyên ngành của bộ, ngành trung ương; triển khai cung cấp dữ liệu từ Hệ thống giải quyết TTHC tỉnh lên Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh và IOC thành phố Đông Hà thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) với nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. Ngoài Cổng thông tin điện tử và Cổng DVCTT, tỉnh đã thiết lập thêm kênh zalo để cung cấp thông tin và DVCTT đến tận người dân và doanh nghiệp.
Lễ ký kết hợp tác triển khai mô hình xã chuyển đổi số - thanh toán số giữa Viettel Quảng Trị và UBND xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ -Ảnh: ĐPCC
Đến nay, 100% sở, ban, ngành và địa phương có cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. 100% văn bản quy phạm pháp luật, hơn 90% văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; bảo đảm hệ thống chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin thông suốt từ UBND tỉnh đến các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Hệ thống văn phòng điện tử đã được triển khai đồng bộ đến 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ văn bản được gửi qua mạng giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 98% (trừ văn bản mật). 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (trừ văn bản mật) và 100% văn bản nội bộ của các sở, ban, ngành, địa phương được thực hiện dưới dạng điện tử. Hệ thống thư điện tử công vụ được triển khai đồng bộ tại tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ cán bộ, công chức của tỉnh được cấp hộp thư điện tử công vụ đạt 100%; tỉ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc ước đạt trên 70%.
Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đến nay, 100% trường học, cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán học phí, phí, lệ phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ các điều kiện và chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Theo báo cáo chuyên đề về giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực của Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính tỉ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh đạt 9,03% và đứng vị trí thứ 26 trên toàn quốc.
Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, hiện có 80,51% hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang. Toàn tỉnh có 487.083 tài khoản thanh toán đang hoạt động, tỉ lệ bình quân dân số có tài khoản thanh toán ước đạt trên 65%.
Về phát triển dữ liệu số, đến nay, nhiều cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành của tỉnh đã được triển khai tích hợp với CSDL của các bộ, ngành trung ương như CSDL y tế; CSDL giáo dục; CSDL về cán bộ, công chức, viên chức; các CSDL về lao động, thương binh và xã hội; CSDL đất đai; CSDL về giá, CSDL về quản lý cấp phép đầu tư... Các CSDL này đến nay cũng đã tích hợp, kết nối liên thông với Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh.
Ngày 18/4/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 749/QĐ-UBND phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết xây dựng kho CSDL dùng chung tỉnh; hiện Sở Thông tin và Truyền thông đang tổ chức triển khai kho CSDL dùng chung tỉnh.
Về nền tảng số, thực hiện Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/2/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số; ngày 17/8/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 162/ KH-UBND về triển khai Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; ngày 17/8/2022 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số tại Quảng Trị; ngày 31/10/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2794/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các nền tảng số quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai các nền tảng số bao gồm: Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Nền tảng họp trực tuyến; Nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử; Nền tảng sàn thương mại điện tử; Nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh; Nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) và Nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu tỉnh (LGSP); trong đó Nền tảng LGSP tiếp tục được duy trì và khai thác hiệu quả; đã kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP); LGSP tỉnh cũng đã kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ quốc gia và dịch vụ công của các bộ, ngành trung ương như dịch vụ khai thác hồ sơ công dân phục vụ xử lý nhóm TTHC thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; kết nối dịch vụ khai thác hồ sơ công dân phục vụ xử lý nhóm TTHC bảo hiểm; kết nối dịch vụ bưu chính công ích; kết nối CSDL giá của địa phương với Bộ Tài chính...
Về hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đã hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử nội địa. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và tiến hành giao dịch kinh doanh trên internet nhằm phát huy năng lực sản xuất, kinh doanh hiệu quả như: giới thiệu quảng bá và xây dựng thương hiệu... Phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam (Lazada, Shopee...) triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử.
Về vận hành, duy trì Sàn giao dịch thương mại điện tử (https://quangtritrade. gov.vn): Duy trì, vận hành, nâng cấp và bổ sung tính năng hoạt động cho Sàn giao dịch thương mại điện tử (https:// quangtritrade.gov.vn) giúp sàn hoạt động tốt, ổn định, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán qua mạng internet thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương trong việc kết nối Sàn giao dịch thương mại điện tử (https://quangtritrade. gov.vn) với các sàn thương mại điện tử của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị xây dựng và nâng cấp website thương mại điện tử bằng cách nâng cấp giao diện và các tính năng trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ các đơn vị cập nhật thêm các sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Hỗ trợ doanh nghiệp giải pháp truy xuất nguồn gốc, thiết kế và in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
- Chuyển đổi số là nhiệm vụ tất yếu, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Nhân đây, đề nghị ông cho biết những giải pháp cơ bản để thực hiện chuyển đổi số mà ngành Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?
-Với quan điểm chỉ đạo bám sát chủ đề năm 2024 là năm “phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững” để chỉ đạo điều hành đồng bộ, tổ chức triển khai quyết liệt, xác định rõ các nhiệm vụ theo hướng ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để phát triển kinh tế số. Phát triển mạnh mẽ hạ tầng số, ứng dụng số, dữ liệu số đồng bộ, có tính liên thông, kết nối làm cơ sở cho phát triển thương mại điện tử, dịch vụ số thuận lợi.
Theo đó, ngành Thông tin và Truyền thông đề ra một số giải pháp thực hiện như sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các nội dung về chuyển đổi số trên chuyên trang chuyển đổi số của tỉnh, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và cổng thành phần của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, trên Báo Quảng Trị và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; trên các hệ thống truyền thanh cơ sở. Chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình về chuyển đổi số. Tổ chức các khóa đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tổ chức các khoá học, trao đổi về chuyển đổi số với doanh nghiệp, trước hết là những người đứng đầu doanh nghiệp. Tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp cùng tham gia góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại.
Hai là, phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Phối hợp giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh để phát triển khách hàng, triển khai dịch vụ, thúc đẩy chuyển đổi số đến tận thôn, xóm.
Phối hợp giữa Tỉnh đoàn và tổ công nghệ số cộng đồng để ra quân hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử, tham gia phản ánh hiện trường...
Ba là, nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ. Triển khai thí điểm việc tích hợp dữ liệu IoT trên một số dữ liệu hiện có của tỉnh. Xây dựng nền tảng khai thác dữ liệu trong kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh với các phương pháp học máy, khai phá dữ liệu ứng dụng trong đô thị thông minh. Thực hiện việc đảm bảo các yêu cầu chung về kết nối các dịch vụ số hóa với các ứng dụng tại đơn vị và kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; thực hiện lưu trữ tài liệu được số hóa, làm hồ sơ gốc phục vụ cho việc quản lý, khai thác tài liệu điện tử...
Bốn là, thu hút nguồn lực công nghệ thông tin. Tận dụng, huy động mọi nguồn vốn nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng chính sách ưu đãi thích hợp cho cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước nhằm duy trì và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ xây dựng chính quyền điện tử/chính quyền số.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế. Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm; tổ chức, tham gia các hội thảo, đào tạo về chuyển đổi số và định hướng xây dựng chính phủ số/chính quyền số với các nước tiên tiến trên thế giới.
Các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ mới, mô hình mới.
Chuyển đổi số là nhiệm vụ tất yếu, vừa cấp bách, vừa lâu dài, vì vậy phải được tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục với những bước đi chắc chắn, có trọng tâm, trọng điểm, kế thừa những thành tựu phát triển khoa học công nghệ và phù hợp với thực tiễn của địa phương. Phải huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; trong đó, xác định nguồn lực bên trong là cơ bản; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.
-Xin cảm ơn ông!