Thúc đẩy hệ thống tiêu chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch, tạo tiền đề phát triển bền vững
Qua 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, đất nước ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn, tổn thất. Tuy nhiên, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã từng bước khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Trong nỗ lực đó, ngành tiêu chuẩn đã khẳng định vai trò quan trọng tạo ra sự ổn định, phục hồi và hướng tới phát triển bền vững. Xin Phó tổng cục trưởng cho biết những đóng góp của ngành tiêu chuẩn trong nỗ lực chung của cả nước để vượt qua đại dịch?
Trong năm qua, Việt Nam phải đối phó với đại dịch Covid-19, với mong muốn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch, phục hồi tốt hơn, Tổng cục TCĐLCL đã phối hợp và làm việc với các tổ chức quốc tế đề nghị hỗ trợ cung cấp tiêu chuẩn miễn phí cho Việt Nam liên quan tới công tác phòng chống Covid-19. Một loạt các tiêu chuẩn mới nhất liên quan đến trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống đại dịch đã được tập hợp cung cấp miễn phí cho cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam như: tiêu chuẩn về khẩu trang, tiêu chuẩn về bảo hộ y tế, tiêu chuẩn về các máy móc, thiết bị phục vụ cho quá trình chữa trị cho bệnh nhân Covid-19…
Tổng cục đã xây dựng trang thông tin điện tử, cung cấp Tiêu chuẩn miễn phí cho tất cả doanh nghiệp và các bên quan tâm, để mọi người có thể nhanh chóng tiếp cận những yêu cầu mới nhất, tiêu chuẩn mới nhất của thế giới, cũng như cung cấp miễn phí toàn bộ tiêu chuẩn Việt Nam liên quan tới lĩnh vực phòng chống Covid-19.
Trang thông tin đã được đông đảo cộng đồng, nhân dân quan tâm. Qua thống kê có gần 600.000 lượt truy cập tiêu chuẩn miễn phí và hơn 1000 lượt tải tiêu chuẩn miễn phí trong thời gian qua. Bên cạnh đó, hoạt động tiêu chuẩn cũng liên tục được triển khai thực hiện trong bối cảnh phải ứng phó với đại dịch.
Trong năm 2021, với sự phối hợp của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan, Việt Nam đã công bố thêm hơn 400 tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước ban hành gần 70 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
Đáng chú ý, các quy chuẩn địa phương được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng hơn nhằm phục vụ cho nhu cầu quản lý. Số lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng trong năm 2021 đã đóng góp vào tổng số hạ tầng về tiêu chuẩn của Việt Nam lên tới hơn 13.000 tiêu chuẩn quốc gia, hơn 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
Đại dịch khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp gánh chịu những tổn thất nặng nề. Việc áp dụng tiêu chuẩn trong sản xuất, kinh doanh trở thành “bệ đỡ” quan trọng giúp doanh nghiệp sớm lấy lại cân bằng và tạo tiền đề phát triển. Xin ông chia sẻ thêm về vai trò, lợi ích của tiêu chuẩn cũng như hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp?
Hoạt động truy xuất nguồn gốc những năm gần đây được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam và ngày càng có xu hướng trở thành các yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu vào các nước. Đó cũng chính là nhu cầu cấp bách mà doanh nghiệp Việt Nam cần hành động để chứng minh sản phẩm của chúng ta xuất khẩu ra nước ngoài có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc mà các nước nhập khẩu đặt ra.
Chính vì vậy, thời gian qua, bên cạnh yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa, yêu cầu phải chứng minh được lịch sử và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành một yêu cầu bắt buộc ở các nước trên thế giới và tại Việt Nam.
Nhận thức được vấn đề này, những năm qua, Tổng cục TCĐLCL đã tham mưu Bộ KH&CN trình Chính phủ ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg về Đề án thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc. Một trong những điểm chính của Đề án là phải tạo được hạ tầng về mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, cách thức truy xuất nguồn gốc mang cấp quốc gia, giúp cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam đạt được sự thống nhất theo các tiêu chuẩn của quốc gia, đạt chuẩn mực quốc tế, từ đó dễ dàng được thừa nhận ở trong nước cũng như được chấp nhận trên thế giới.
Vì vậy, năm 2021, Tổng cục TCĐLCL đã nỗ lực xây dựng Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia, mục tiêu đến cuối năm 2022 này, chúng ta sẽ hoàn thành Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia. Đây là cổng thông tin chứa đựng yêu cầu chuẩn mực theo chuẩn quốc tế, giúp cho hàng hóa Việt Nam có thể kết nối với Cổng quốc gia được quốc tế thừa nhận. Để làm được điều đó, chúng ta cần thúc đẩy tiêu chuẩn Việt Nam được thừa nhận, chấp nhận theo chuẩn quốc tế.
Hiện nay, đang có khoảng 23 tiêu chuẩn liên quan đến truy xuất nguồn gốc, Tổng cục đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng khoảng 30 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến truy xuất nguồn gốc để phục vụ cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Truy xuất nguồn gốc không chỉ một mình Tổng cục hay ngành TCĐLCL làm được, mà cần sự vào cuộc của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Tổng cục cũng rất chú trọng hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai Đề án 100, cho đến nay đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các đơn vị.
Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa trong bối cảnh hiện nay càng trở nên bức thiết. Để hàng hóa đảm bảo chất lượng, hoạt động thanh, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đã được Tổng cục triển khai như thế nào, thưa ông?
Trong năm qua, việc giãn cách xã hội do dịch Covid-19 khiến hoạt động thanh, kiểm tra có sự điều chỉnh hết sức linh hoạt để vừa không cản trở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng vẫn phải kiểm soát được chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thực hiện chủ trương này, Tổng cục chuyển đổi hoạt động thanh kiểm tra như các năm trước thành tăng cường khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có cả khảo sát thực tế, đặc biệt đẩy mạnh khảo sát kinh doanh qua mạng, phát hiện các điểm không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, từ đó thông tin cho hệ thống Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương xem xét tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Qua đó, phát hiện ra các sản phẩm hàng hóa không phù hợp, không đảm bảo an toàn, không đạt về chất lượng để kiến nghị các cấp chính quyền xử lý. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng thúc đẩy việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng để điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế.
Tổng cục đã chung tay với Thanh tra Bộ KH&CN và một số đơn vị của Bộ xây dựng Dự thảo xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sửa đổi Nghị định 119 về xử lý vi phạm hành chính. Rất vui mừng Nghị định này đã được Chính phủ ban hành với số hiệu Nghị định số 126/2021/NĐ-CP vào đúng những ngày cuối năm 2021.
Năm Nhâm Dần 2022 là năm vô cùng đặc biệt với những người làm công tác TCĐLCL, khi Tổng cục kỷ niệm 60 năm thành lập. Là người nhiều năm gắn bó với ngành TCĐLCL, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành TCĐLCL, ông có thể chia sẻ đôi điều về cảm xúc của mình trước sự kiện trọng đại này?
Nói đến 60 năm hình thành và phát triển ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng, có lẽ không chỉ tôi mà tất các anh chị em làm trong ngành đều thấy bồi hồi xúc động, xen lẫn tự hào. Tổng cục đã trải qua hành trình 60 năm xây dựng và phát triển. Có được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ngày hôm nay với hệ thống ngành TCĐLCL tại các Bộ ngành, lĩnh vực và 63 tỉnh thành trên toàn quốc, không thể không nhắc tới sự đóng góp, công sức to lớn của thế hệ cha anh đi trước, trong đó, có các bậc hệ tiền bối, nguyên lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tổng cục đã dày công xây dựng, cống hiến, đóng góp, tham gia xây dựng ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
60 năm phát triển ngành, tôi cũng cảm thấy hết sức tự hào khi được đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Việt Nam, tự hào là một trong 10.000 người trong ngành TCĐLCL, là một trong hơn 1800 cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục TCĐLCL hiện nay tham gia đóng góp xây dựng thể chế, tổ chức quản lý, xây dựng hạ tầng pháp lý, hạ tầng tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Đến nay, Tổng cục TCĐLCL là đầu mối của hơn 14 tổ chức quốc tế lớn trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, chất lượng, đo lường trên thế giới như: Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện IEC, Ủy ban Tư vấn Tiêu chuẩn chất lượng của ASEAN (ACCSQ), của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APEC SCSC), Tổ chức Đo lường pháp quyền quốc tế (OIML), Tổ chức Năng suất châu Á (APO)… Tổng cục đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp công sức cho sự phát triển các tổ chức quốc tế và ngày càng nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực TCĐLCL. Với nỗ lực trong 60 năm qua, những người làm công tác TCĐLCL có thể vui mừng và tự hào về sự phát triển của ngành với những đóng góp ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tổng cục TCĐLCL cũng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Thư của đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi tặng các tập thể cá nhân được tôn vinh tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới” năm 2017 và nhiều giải thưởng vinh dự khác. Đây là nguồn động viên to lớn, thể hiện sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với ngành TCĐLCL.
Với lịch sử hết sức tự hào, trong thời gian tới, ngành TCĐLCL sẽ tiếp tục phấn đấu tổ chức triển khai tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Khoa học & Công nghệ, quyết liệt tổ chức triển khai thành công Phương hướng nhiệm vụ hoạt động TCĐLCL giai đoạn 2021-2025 góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
https://tcvn.gov.vn/