Hội thảo giới thiệu “Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020”
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết, trong nhiều thế kỷ phát triển kinh tế thế giới đã chứng minh, khoa học và công nghệ tác động quan trọng tới việc nâng cao năng suất lao động. Sự thành công thần kỳ của các nước Châu Á trong phát triển kinh tế, khởi đầu bởi Nhật Bản và tiếp theo là Hàn Quốc, dựa trên cách thức khá giống nhau, trong đó, khoa học công nghệ đều được coi là động lực chủ đạo. Thực tế cho thấy, quốc gia nào khai thác tốt hơn động lực khoa học công nghệ đều đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Chiến lược khoa học công nghệ quốc gia và chính sách công nghiệp tạo các yếu tố tiền đề và khích lệ các doanh nghiệp mạnh dạn khai thác khoa học công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của mình thông qua bốn kênh chủ đạo: giảm giá thành, tăng chất lượng, phát triển sản phẩm mới với tính năng độc đáo sáng tạo và nâng cao khả năng đáp ứng nhanh nhạy về yêu cầu của khách hàng. Với sự năng động của các doanh nghiệp và môi trường cạnh tranh lành mạnh, động lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp các yếu tố sản xuất như lao động, tiền vốn và đất đai chuyển dịch nhanh chóng từ ngành nghề, sản phẩm và doanh nghiệp có hiệu quả thấp sang ngành nghề và sản phẩm có hiệu quả cao hơn. Các doanh nghiệp đột phá về nắm bắt và phát triển công nghệ thường đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao hơn, nhờ đó, nguồn lực sản xuất được chuyển dịch nhanh chóng vào các doanh nghiệp sẽ tạo ra giá trị cao hơn cho xã hội. Đây là một trong những phương thức chủ yếu mà khoa học công nghệ có tác động mạnh mẽ lên tăng trưởng kinh tế.
Đóng góp của khoa học công nghệ có thể biểu hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Từ năm 2007, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Năng suất Việt Nam thực hiện nghiên cứu, phân tích, theo dõi chỉ số TFP. Tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đang dần cao lên cho thấy yếu tố đầu vào là vốn và lao động đang được sử dụng hiệu quả hơn trong việc tạo ra kết quả đầu ra. Đây là sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế theo hướng tập trung vào chất lượng tăng trưởng: như nâng cao chất lượng lao động, chất lượng về vốn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cũng tại Hội thảo, ông Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, trong giai đoạn 2021-2030 một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam là phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế. Báo cáo Năng suất Việt Nam 2020 đã tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến năng suất quốc gia, các ngành và của doanh nghiệp, trong đó, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để tăng năng suất. Báo cáo cũng đề cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng năng suất.
“Trong những năm gần đây, trường Đại học Ngoại Thương đã triển khai nhiều mô hình và chương trình đào tạo tiên tiến xoay quanh vấn đề nâng cao năng suất chất lượng quốc gia ngành và của các doanh nghiệp. Trường đặc biệt quan tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên với nhiều kết quả được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, nhà trường cũng chú trọng và đẩy mạnh chuyển giao tri thức các mô hình, công cụ quản trị hiện đại cho các địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp. Tôi tin rằng, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục dạy học, các viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để thúc đẩy năng suất quốc gia ngành và doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương
Tại Hội thảo, Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020 đã được chính thức giới thiệu. Đây là báo cáo thường niên về các vấn đề năng suất của Việt Nam, được thực hiện từ năm 2007. Năm 2020, Báo cáo được hoàn thành với sự phối hợp nghiên cứu của Viện Năng suất Việt Nam và Trường Đại học Ngoại thương.
Các đại biểu tham dự tại Hội thảo thông qua hình thức trực tuyến
Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020 đã phân tích vấn đề năng suất trên nhiều bình diện gồm quốc gia, các ngành và doanh nghiệp, đồng thời tập trung phân tích khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như là động lực then chốt để nâng cao năng suất của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ tiêu về năng suất gồm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), năng suất lao động (NSLĐ) và năng suất vốn, Báo cáo đã chỉ rõ những kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong việc nâng cao năng suất của nền kinh tế nói chung cũng như năng suất của các doanh nghiệp nói riêng năm 2020 trong bối cảnh những biến động lớn của nền kinh tế thế giới và dưới tác động tiêu cực của Đại dịch Covid-19. Do đó, tăng năng suất đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng 2,91% của Việt Nam trong năm 2020.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cho thấy những điểm nghẽn trong tăng năng suất của Việt Nam, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ các điểm nghẽn này. Để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình tăng năng suất cần phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được những đòi hỏi mới của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng suất của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là nơi kiến tạo và chuyển giao tri thức, các mô hình, công cụ quản lý, công nghệ mới tới cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia. Sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học và cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố quan trọng thúc đẩy năng suất, để tăng năng suất trở thành động lực quan trọng nhất cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, hai cơ quan phối hợp thực hiện nghiên cứu là Viện Năng suất Việt Nam và Trường Đại học Ngoại thương giới thiệu những nội dung quan trọng của Báo cáo Năng suất Việt Nam và các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, chính sách phát triển doanh nghiệp cũng như đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng nhau bình luận để làm rõ hơn những kết quả nghiên cứu về năng suất của Việt Nam, đồng thời trao đổi những giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy năng suất và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất.
Viện Năng suất Việt Nam là cơ quan đầu mối thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các hoạt động nghiên cứu về năng suất và thúc đẩy phong trào năng suất quốc gia. Viện Năng suất Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu và phát hành báo cáo thường niên phân tích và đánh giá năng suất quốc gia, như một nguồn thông tin tham khảo về tình hình năng suất cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách. Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020 với chủ đề về Động lực khoa học và đổi mới sáng tạo, được Viện Năng suất Việt Nam và Trường Đại học Ngoại thương phối hợp với thực hiện, với sự tham gia của các chuyên gia năng suất, các nhà nghiên cứu và giảng viên của Viện và Trường ĐH Ngoại thương. Báo cáo năng suất năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid mang lại, xu hướng chuyển đổi của Cách mạng công nghiệp 4.0, và nỗ lực thực hiện các chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, cung cấp một bức tranh toàn cảnh về năng suất nền kinh tế, năng suất các ngành và năng suất của doanh nghiệp năm 2020 và giai đoạn 2011–2020. Báo cáo cũng đã phân tích các động lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy nâng cao năng suất tại Việt Nam qua một số nghiên cứu doanh nghiệp tiêu biểu. Qua đó làm rõ hơn hiệu quả đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo đối với cải tiến năng suất của các doanh nghiệp. |
https://tcvn.gov.vn/