Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng

Ngày đăng: 19-10-2023

Tiêu chuẩn về phương tiện bảo vệ cá nhân

Để tiêu chuẩn về PTBVCN thực sự trở thành điều kiện không thể thiếu của doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm hiện nay rất cần sự chung tay hợp tác nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cơ sở sản xuất PTBVCN nói chung cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động tại Việt Nam nói riêng.

Phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) là những dụng cụ, phương tiện cần thiết người lao động phải được trang bị để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết.

PTBVCN là phương tiện không thể thiếu đối với người lao động. Đây là phương pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa nguy hiểm, độc hại trong môi trường làm việc. Đồng thời, đây cũng là cách cải thiện, nâng cao điều kiện lao động, phát triển về con người và tăng năng suất lao động, hoàn thành đúng tiến độ.

Trong hệ thống các văn bản pháp lý của Việt Nam có nhiều nội dung liên quan đến PTBVCN, trong đó có nội dung quy định “Các phương tiện bảo vệ cá nhân phải đảm bảo chất lượng, quy cách theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định khác của nhà nước".

 Ảnh minh họa.

Tính đến nay, trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) có 115 tiêu chuẩn về Phương tiện bảo vệ cá nhân áp dụng cho trang phục bảo vệ, phương tiện bảo vệ mắt, phương tiện bảo vệ chân, phương tiện bảo vệ người cứu hỏa, phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp. Các tiêu chuẩn này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm PTBVCN, giúp cho người lao động yên tâm hơn khi lao động sản xuất, người sử dụng lao động có cơ sở lựa chọn được sản phẩm đảm bảo chất lượng, cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ kiểm soát mặt hàng PTBVCN hiện có trên thị trường.

Ngoài ra, việc hài hòa giữa tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế cũng tạo thuận lợi cho nhà sản xuất trong nước tiếp cận được yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử của các nước trên thế giới, từ đó sản xuất được sản phẩm có thể xuất khẩu sang các nước khác nhau.

Liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm giầy ủng cho người lao động, Việt Nam đã công bố nhiều tiêu chuẩn về phương tiện bảo vệ chân. Tuy nhiên, trong số các tiêu chuẩn này, hiện có 4 tiêu chuẩn đang được doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm áp dụng hơn cả, đó là TCVN 7651:2007 (ISO 20344:2004), Phương tiện bảo vệ cá nhân – Phương pháp thử giày ủng; TCVN 7652:2007 (ISO 20344:2004), Phương tiện bảo vệ cá nhân – Giày ủng an toàn; TCVN 7653:2007 (ISO 20346:2004), Phương tiện bảo vệ cá nhân – Giày ủng bảo vệ; TCVN 7654 : 2007 (ISO 20347:2004), Phương tiện bảo vệ cá nhân – Giày ủng lao động chuyên dụng.

Do có nhiều đặc điểm tương đồng giữa giầy đi thông thường và giầy sử dụng trong môi trường lao động, song song với việc mở rộng sản xuất giầy nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao ở trong nước, các doanh nghiệp sản xuất giầy tại Việt Nam nên quan tâm hơn đến nhu cầu sản xuất giầy cho người lao động để xuất khẩu sang các nước trên thế giới do sản xuất giầy dép là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đại diện Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam, hiện nhu cầu cung cấp sản phẩm giầy cho người lao động sang các nước châu Âu và các nước khác là rất lớn. Hiệp hội đã nhận được đề nghị của các đối tác đến từ Châu Âu, Trung Quốc… mong muốn kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng, mở rộng sản xuất sản phẩm giầy bảo vệ để xuất sang các thị trường này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất giầy của Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến các cơ hội cơ hội mới. Mục tiêu áp dụng tiêu chuẩn để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm giầy cho người lao động vẫn tương đối mơ hồ đối với một số doanh nghiệp Việt Nam.

Để tiêu chuẩn về PTBVCN thực sự trở thành điều kiện không thể thiếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm hiện nay, rất cần có sự chung tay hợp tác của cơ quan quản lý là Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN), Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH), Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam... nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cơ sở sản xuất PTBVCN nói chung cũng như doanh nghiệp, cơ quan, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động tại Việt Nam nói riêng.

https://vietq.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 180
Tổng lượt truy cập: 3.960.866
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!