Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng

Ngày đăng: 18-09-2024

Sử dụng thức ăn ít phát thải carbon giúp ngành thủy sản vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu

Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nặng nề lên ngành nuôi trồng thủy sản.

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay. Nó đang có những tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có nuôi trồng thủy hải sản, trực tiếp tác động và làm thay đổi các yếu tố môi trường sinh thái của động vật thủy sản ngoài tự nhiên và trong ao nuôi.

Biến đổi khí hậu còn là nguyên nhân gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan làm thay đổi chế độ nhiệt, lượng mưa... với xu thế gia tăng nhiệt độ, mực nước biển dâng và thay đổi lượng mưa, ảnh hưởng lớn đến phương thức nuôi trồng thủy hải sản, làm suy giảm năng suất và sản lượng thủy hải sản; đồng thời cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hậu cần của ngành thủy sản.

Thông tin về tình trạng này ông Lê Thanh Lựu cho biết, theo số liệu Liên Hợp quốc, nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,5 độ C so với mức trung bình trước đây, nguy cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước và sản lượng thủy sản. Trong đó bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại Hải Phòng và Quảng Ninh, khiến nhiều lồng nuôi bị cuốn trôi và các dây hàu bị đứt gãy.

Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hơn 1.500 lồng bè thủy sản bị cuốn trôi, trong đó Quảng Ninh chịu tổn thất lớn nhất với hơn 1.000 lồng bè hư hại, khiến ngư dân mất từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại ở các yếu tố thiên tai, ngành này còn chịu áp lực lớn từ sự tăng giá thức ăn. Từ đầu năm, giá thức ăn thủy sản đã tăng từ 32.000 đồng lên 35.000-36.000 đồng một kg, khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người nuôi và gây khó khăn trong việc duy trì sản xuất ổn định.

Cùng với đó, vấn đề về chất lượng con giống cũng đặt ra nhiều thách thức. Theo khảo sát mới đây tại Đồng bằng sông Cửu Long, giống tôm thẻ chân trắng và cá tra đang gặp vấn đề lớn về chất lượng, dẫn đến tốc độ phát triển chậm và sản lượng giảm sút.

Ngành thủy sản đang đứng trước nhiều thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Ảnh minh họa

Một thách thức lớn khác mà ngành thủy sản phải đối mặt trong tương lai gần là yêu cầu chứng chỉ carbon cho sản phẩm thủy sản. TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS) cho biết, nhiều thị trường quốc tế đã bắt đầu đặt ra yêu cầu về chứng chỉ này, nhằm đảm bảo sản phẩm thủy sản được sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững. Nếu ngành thủy sản không kịp thích ứng với các yêu cầu về môi trường này trong vòng 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng và duy trì thị trường xuất khẩu.

Trước những thách thức trên, các chuyên gia trong ngành đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp thủy sản Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Lê Thanh Lựu nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất thủy sản là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, cùng với việc chuyển sang sử dụng các loại thức ăn ít phát thải carbon như tảo hay protein từ côn trùng cũng là những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm lượng khí thải. Bên cạnh đó, phát triển các giống thủy sản có khả năng thích ứng tốt hơn với môi trường biến đổi sẽ là chìa khóa quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Hội Thủy sản Việt Nam đang tích cực vận động doanh nghiệp nâng cao ứng dụng công nghệ trong khai thác và chế biến thủy sản. Theo đó, hội thường xuyên phối hợp với các trung tâm công nghệ địa phương để hỗ trợ các cơ sở nuôi trồng và chế biến hướng tới phát triển bền vững, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng từ nuôi trồng thủy sản đạt trên 2,43 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 4,9% so với năm 2023. Tính riêng tháng 8 năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 862,3 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá ước đạt 561,0 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm ước đạt 176,3 nghìn tấn, tăng 2,7%; thủy sản khác ước đạt 125,0 nghìn tấn, tăng 2,6%. Về sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 522,4 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cá đạt 293,0 nghìn tấn, tăng 4,5%; tôm đạt 165,7 nghìn tấn, tăng 2,8%.

Những con số này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn rất lớn, dù phải đối mặt với nhiều thách thức cả về môi trường lẫn thị trường.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13656:2023 nước nuôi trồng thủy sản - chất lượng nước nuôi thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn này nhằm đưa ra các giá trị giới hạn các thông số chất lượng của nước đã được xử lý cấp cho ao nuôi và nước trong ao nuôi thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng. 

Theo đó yêu cầu về giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước đã được xử lý cấp cho ao nuôi và nước trong nuôi thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng cụ thể: Đối với nhiệt độ giá trị giới hạn từ 26-32 độ C; pH từ 7,5-8,5 dao động trong ngày nhỏ hơn hoặc bằng 0,5; ô xy hòa tan giá trị giới hạn từ 5,0-9,0mg/L; độ mặn từ 7-25%; độ kiềm từ 80-100mg/L; độ trng từ 30-45cm...

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 33
Hôm nay: 507
Tổng lượt truy cập: 3.491.307
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!