Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Ngày đăng: 16-04-2021

Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân theo tinh thần Đại hội XIII

Sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn hiện nay dựa trên nền tảng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, gắn với phát triển kinh tế tri thức, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự phát triển kinh tế thị trường với nhiều hình thức sở hữu và tồn tại tình cảnh làm thuê của một bộ phận công nhân ở các mức độ khác nhau. Theo đó, hiện tượng bóc lột vẫn còn tồn tại là một tất yếu và để hạn chế mức độ bóc lột thì phải chú trọng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân bằng chính sách, luật pháp, cơ chế, quy định của Nhà nước; bằng đổi mới tổ chức, hoạt động các tổ chức chính trị - xã hội của công nhân và doanh nghiệp.

Trong những năm đổi mới vừa qua, việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân đã được quan tâm đúng mức. Nhà nước đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách, pháp luật, quy định về việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, điều kiện làm việc, hệ thống chính sách bảo hiểm, bảo trợ thất nghiệp; các chính sách chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân. Các tổ chức chính trị - xã hội của công nhân cơ bản đã phát huy tốt chức năng của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho công nhân. Ở nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, công đoàn thực sự là chỗ dựa về tinh thần của công nhân.

Tuy nhiên, việc chăm lo, bảo vệ lợi ích của công nhân còn những hạn chế nhất định. Một số nội dung chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước còn chưa rõ ràng, không ổn định, chưa phù hợp với cơ chế thị trường và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Mặc dù các bộ luật, luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần; Chính phủ đã ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn thi hành, nhưng khung pháp lý về quan hệ lao động, về bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân còn nhiều bất cập, thiếu sót. Quá trình tổ chức thực hiện còn hạn chế, yếu kém, dẫn đến quyền và lợi ích của một bộ phận công nhân chưa tương xứng với những thành tựu của công cuộc đổi mới và đóng góp của công nhân. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận không nhỏ công nhân còn nhiều khó khăn, bức xúc, nhất là bộ phận công nhân lao động giản đơn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong những năm đổi mới vừa qua, việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân đã được quan tâm đúng mức. Nhà nước đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách, pháp luật, quy định về việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, điều kiện làm việc, hệ thống chính sách bảo hiểm, bảo trợ thất nghiệp; các chính sách chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân.

Để “xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh”(1) trong điều kiện hiện nay cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung nội dung chính sách, pháp luật, cơ chế, quy định liên quan đến quyền, lợi ích của công nhân.

Đây là giải pháp mang tính then chốt nhằm mục tiêu chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ tương xứng với mức độ lao động, cống hiến, đóng góp phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Theo đó, phải tiến hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Bảo hiểm…, ban hành bổ sung những điều luật, luật và những quy định có tính pháp lý liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân.

Nội dung sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, cơ chế, quy định phải giải quyết được những nhu cầu thiết yếu, bức xúc và cơ bản, lâu dài cho công nhân. Đảng ta chỉ rõ: “Cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi của giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả”(2). Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, tiếp tục bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của công nhân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm bền vững.

Nhà nước phải xác lập các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động, quản lý công nhân phù hợp với sự phát triển của thị trường, thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho công nhân để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động. “Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững”(3).

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính sách, pháp luật khẳng định vị thế, vai trò của giai cấp công nhân và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đại diện của công nhân, nhất là tổ chức công đoàn, tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Sửa đổi, hoàn thiện chính sách, cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn và bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở; một số điều luật về đình công của công nhân sao cho hợp lý, tập hợp được sức mạnh tập thể trong đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích cho họ. Chăm lo hơn nữa phúc lợi xã hội, giải quyết từng bước, hiệu quả những nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, chế độ chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của công nhân.

Hai là, phát huy vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở chính sách, pháp luật, cơ chế của Nhà nước đối với GCCN, chính quyền địa phương các cấp phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo đề ra những quyết sách cụ thể phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương mình, nhằm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp; đồng thời, bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập và các lợi ích vật chất, tinh thần khác của công nhân; bảo vệ quyền làm chủ của công nhân trên các phương diện đời sống xã hội.

Đồng chí Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM (bìa trái), tặng quà cho gia đình công nhân trong chương trình “Chuyến tàu mùa Xuân” giáp Tết Tân Sửu.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các cơ quan chức năng phải đề cao trách nhiệm trong xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, nhất là các khu công nghiệp, là điều kiện rất quan trọng hình thành, phát triển ý thức của GCCN hiện đại trong công nhân, gắn với điều kiện, tiêu chí cụ thể của từng địa phương. Không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động, tích cực đổi mới phương thức quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển các loại hình doanh nghiệp và đội ngũ công nhân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, quy định của chủ doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm của các chủ thể khác trong chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân.

Ba là, phát huy vai trò của công đoàn và các tổ chức đại diện khác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân.

Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân là chức năng chủ yếu của tổ chức công đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mục đích công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”(4). Người còn nhắc nhở cán bộ công đoàn phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao đời sống vật chất, trình độ văn hóa, kỹ thuật, bảo vệ sức khỏe, an toàn lao động và công tác vệ sinh cho công nhân. Công đoàn phải hướng về cơ sở, lấy giải quyết lợi ích ở cơ sở doanh nghiệp làm mục đích hoạt động chủ yếu. Công đoàn phải nắm chắc và dựa trên luật pháp làm công cụ chủ yếu; đồng thời, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội khác của công nhân để thương thuyết, hòa giải, khuyến nghị cùng với người sử dụng lao động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và đấu tranh bảo vệ quyền làm chủ của công nhân. Theo đó, phải “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tập thể công nhân. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay”(5).

Các cơ quan chức năng phải đề cao trách nhiệm trong xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, nhất là các khu công nghiệp, là điều kiện rất quan trọng hình thành, phát triển ý thức của GCCN hiện đại trong công nhân, gắn với điều kiện, tiêu chí cụ thể của từng địa phương. Không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động, tích cực đổi mới phương thức quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển các loại hình doanh nghiệp và đội ngũ công nhân.

Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và công nhân

Trên cơ sở thượng tôn luật pháp, chính sách, cơ chế, quy định của Nhà nước, hoạt động của chủ doanh nghiệp phải hướng đến mục tiêu: xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, khơi dậy tinh thần nhân văn, nhân đạo của chủ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương có sự phối hợp đồng bộ xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện có hiệu quả hoạt động này.

Công nhân là đối tượng được chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng; đồng thời, họ là chủ thể trực tiếp quyết định đến hiệu quả của hoạt động này. Trong cơ chế thị trường, công nhân dù lao động trong loại hình doanh nghiệp nào cũng phải lao động tích cực, tự giác, có năng suất, chất lượng, hiệu quả mới thụ hưởng lợi ích tương xứng. Đòi hỏi, công nhân phải phát huy tính tích cực, tự giác trên cả hai phương diện nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Công nhân phải tích cực, tự giác học tập, rèn luyện để “nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(6). Đó là điều kiện tiền đề để họ nhận thức sâu sắc về lợi ích, các quan hệ lợi ích; về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bản thân. Bên cạnh đó, công nhân phải tích cực, tự giác lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả mới có thể tự chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội ở doanh nghiệp, nơi cư trú - là điều kiện để hình thành và phát triển những phẩm chất của giai cấp công nhân hiện đại: Sáng tạo, khoa học và cách mạng. Tính tích cực, tự giác trong tự chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân phải được bảo đảm bằng những tác động đồng bộ của thể chế, cơ chế, thiết chế chính trị - xã hội thông qua giáo dục và đào tạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nhằm định hướng nghề nghiệp, bảo vệ và tôn vinh những giá trị của giai cấp công nhân.

Tính tích cực, tự giác của công nhân trong thực hiện lợi ích không phải tự nhiên mà có, nó phải được bảo đảm bằng những tác động đồng bộ của thể chế, thiết chế chính trị - xã hội, thông qua giáo dục và đào tạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nhằm định hướng nghề nghiệp, bảo vệ và tôn vinh những giá trị của giai cấp công nhân.

Tóm lại, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân trong điều kiện hiện nay là một nhiệm vụ chính trị, tạo động lực vật chất, tinh thần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, giai cấp công nhân và toàn xã hội./.

Đại tá, PGS. TS. LÊ XUÂN THỦY

Trung tá LÊ VĂN CƯỜNG

Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

____________________

(1) (2) (3) (5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, tr.166, 149, 150, 166, 166. 

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.7, tr.567.

http://tuyengiao.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 3040
Tổng lượt truy cập: 3.953.059
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!