Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Ngày đăng: 15-04-2022

Đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội ở nước ta hiện nay

Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (1).

NHẬN THỨC VỀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Về nền kinh tế thị trường, đã được hình thành và phát triển từ lâu trong lịch sử nhân loại. Theo quan điểm chủ nghĩa Mác, kinh tế thị trường là một giai đoạn phát triển tất yếu của lịch sử mà bất cứ nền kinh tế nào cũng phải trải qua để đạt tới nấc thang cao hơn trên con đường phát triển; và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chính là nền kinh tế thị trường phát triển đến trình độ phổ biến và hoàn chỉnh. Nấc thang cao hơn chính là nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa (2).

Như vậy, kinh tế thị trường là một nấc thang tất yếu, mang tính phổ biến cho mọi quốc gia trong tiến trình phát triển, là thành quả của văn minh nhân loại chứ không phải là sản phẩm riêng có của tư bản chủ nghĩa như một số ý kiến ngộ nhận. Kinh tế thị trường đã phát triển không duy nhất một mô hình mà đã phát triển theo các mô hình như: (1)Mô hình kinh tế thị trường tự do, phổ biến ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ; (2) Mô hình kinh tế thị trường - xã hội, phổ biến ở một số nước ở Tây - Bắc Âu như Đức, Thụy Điển, Na uy, phần Lan…; (3) Mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Dù phát triển theo mô hình nào thì nền kinh tế thị trường đều gắn với những quy luật mang tính đặc trưng sau đây:

Quy luật giá trị quy định việc sản xuất và trao đổi hàng hoá phải căn cứ vào hao phí lao động xã hội cần thiết; trao đổi theo nguyên tắc ngang giá. Giá trị của sản phẩm/dịch vụ đều do thị trường định đoạt. Người sản xuất kinh doanh nào có chi phí lao động xã hội cho một đơn vị sản phẩm thấp hơn trung bình thì người đó có lợi nhất.

Quy luật cung - cầu là sự điều chỉnh của thị trường với một mức giá cân bằng và một lượng giao dịch cân bằng sẽ được xác định. Ở đâu có thị trường thì ở đó có quy luật cung – cầu tồn tại và hoạt động một cách khách quan. Cầu xác định cung, những hàng hoá nào được tiêu thụ thì mới được tái sản xuất. Cung cũng tạo ra cầu, kích thích tăng cầu thông qua phát triển số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hoá, hình thức, quy cách và giá cả của nó.

Quy luật cạnh tranh là sự ganh đua giữa các chủ thể, các tổ chức kinh tế trong việc giành giật thị trường và khách hàng và các điều kiện thuận lợi trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực chất của cạnh tranh là sự tranh giành về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể tham gia thị trường. Kết quả cạnh tranh sẽ loại bỏ được các các cơ sở sản xuất, kinh doanh yếu kém và giúp phát triển các cơ sở làm ăn có hiệu quả hơn.

Những quy luật nói trên của nền kinh tế thị trường vừa tạo ra động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, vừa làm cho xã hội phân hóa thành những tầng/lớp giàu nghèo khác nhau. Tầng lớp giàu có nắm giữ lợi thế tiếp cận mọi nhu cầu, lợi ích của xã hội; tầng lớp nghèo khó chịu nhiều thua thiệt trong việc thụ hưởng các nhu cầu cuộc sống.

Đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam là phát triển nền kinh tế thị trường để phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng sức sản xuất nhằm tạo tăng trưởng kinh tế không ngừng, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng, được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Đây là hệ giá trị có tính bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa, nó thể hiện sự tiến bộ hơn hẳn của chế độ xã hội chủ nghĩa so với các chế độ xã hội trước đó. Chẳng hạn, xã hội tư bản có thể có điều kiện sống vật chất, tiện nghi rất cao; dân có thể giàu, nước có thể mạnh, nhưng từ trong bản chất của chế độ xã hội tư bản, ở đó không thể có công bằng và dân chủ: nhà nước là nhà nước tư sản; giàu có là cho nhà tư bản; sự giàu mạnh có được bằng quan hệ bóc lột. Trong xã hội như vậy, người dân không thể là chủ và làm chủ xã hội (3).

ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG CÁC CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước Việt Nam hướng đến là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ)(4).

Như vậy, đã phát triển kinh tế thị trường thì phải tuân theo sự vận động của các quy luật thị trường. Những người tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh cùng đón nhận những cơ hội lẫn thách thức phải đương đầu; có cơ may thành công lẫn nguy cơ thất bại; giàu lên hay nghèo đi có thể xảy ra. Phát triển kinh tế thị trường vừa tạo ra động lực, phát huy mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế nhanh, mạnh; vừa làm cho xã hội phân hóa, phân tầng theo các tầng/lớp khác nhau về tài sản, mức sống, điều kiện sống, lối sống, văn hóa… Nếu để cho quá trình này diễn ra tự nhiên thì xã hội ngày càng bị phân hóa, phân cực giàu - nghèo gay gắt; các tầng lớp yếu thế trong xã hội càng gặp khó khăn, cùng quẫn; nguy cơ bất ổn xã hội ngày càng cao.

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Để định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa quyết định. Một trong những công cụ cơ bản nhất, đó là thực thi các chính sách xã hội. Với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách xã hội theo phương châm: khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với nhiệm vụ giúp đỡ, tạo điều kiện cho người nghèo cùng vươn lên trong cuộc sống bằng việc thực thi hàng loạt các chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, y tế, lao động, việc làm,vv... là cách làm giúp cho các giai tầng xã hội xích lại gần nhau, góp phần giảm thiểu khoảng cách chênh lệch giữa các tầng/lớp người trong xã hội; hướng đến mục tiêu bình đẳng, tiến bộ, phát triển toàn diện…

Ngay từ khi đề ra đường lối đổi mới toàn diện, Đảng đã rất chú trọng đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện chính sách xã hội để hướng đến mục tiêu công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội; đặc biệt, đến Đại hội XIII, lần đầu tiên trong Văn kiện, Đảng đã xác định rõ, chính sách xã hội là phương tiện/công cụ định hướng xã hội chủ nghĩa, với quan điểm: “Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội” (5).

Trong bài viết luận bàn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã luận giải rằng:“Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển(6).

Vậy là, trong hoạch định và thực thi các chính sách thì phải đặc biệt chú ý đến đặc điểm cơ bản của mối quan hệ giữa chính sách xã hội với chính sách kinh tế là sự thống nhất biện chứng của chúng. Chính sách xã hội và chính sách kinh tế tuy có mục tiêu riêng - mục tiêu tự thân của nó, song lại có chung mục tiêu là nhằm phát triển xã hội. Vì vậy, mọi chính sách xã hội và chính sách kinh tế đều hướng vào mục tiêu trung tâm là phát triển con người, phát huy nhân tố con người, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho con người. Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, hợp lý sẽ tạo ra điều kiện, tiền đề vật chất để giải quyết các vấn đề xã hội. Chính sách xã hội được xây dựng mà không tính đến khả năng của nền kinh tế, hoặc không quan tâm đến lợi ích kinh tế thì sẽ cản trở kinh tế phát triển, triệt tiêu yếu tố kinh tế. Nhưng nếu lấy tăng trưởng kinh tế làm mục tiêu tối thượng thì dẫn đến chỗ khoét sâu những ngăn cách xã hội. Tăng trưởng kinh tế tự nó không thể giải quyết được tất cả các vấn đề xã hội và dẫn tới tiến bộ xã hội. Để đạt đến mục tiêu tiến bộ xã hội thì phải thông qua chính sách xã hội, phải kết hợp chính sách kinh tế với chính sách xã hội.

Vì vậy, phải xác lập mối quan hệ hợp lý giữa chính sách xã hội với chính sách kinh tế làm sao để hai mặt đó trở thành tiền đề của nhau. Văn kiện qua các kỳ Đại hội của Đảng đều khẳng định: Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển. Không phát triển kinh tế với bất cứ giá nào, bất chấp hậu quả xã hội ra sao. Thông thường, sai lầm về kinh tế có thể khắc phục được sau một thời gian ngắn, có thể sau một vài chu kỳ sản xuất; nhưng những hậu quả về mặt xã hội có thể đánh đổi hàng trăm năm chưa chắc khắc phục được.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (Nguồn: vtv.vn)

Xuyên suốt các kỳ đại hội, nghị quyết của Đảng đều nhất quán quan điểm chỉ đạo: “Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước”(7).

Như vậy, chủ trương “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Đảng và Nhà nước Việt Nam không phải là một giải pháp mang tính tình thế, một ý tưởng nhất thời mà là đường lối phát triển đất nước được hoạch định và trù liệu công phu, kỹ lưỡng, được dựa trên cơ sở lý luận vững chắc và phù hợp với tình hình thực tiễn. Là một mô hình phát triển mới lạ nhưng qua tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng và Chính phủ đã ngày càng nhận thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn và đề ra quyết sách chính xác hơn.

Là một nước đi ra từ các cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài vô cùng tàn khốc, với xuất phát điểm nghèo nàn, lạc hậu (thuộc nhóm nước chậm phát triển), nhờ thực hiện đường lối: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Trong 35 năm đổi mới vừa qua, kinh tế tăng trưởng liên tục, trung bình khoảng 7% mỗi năm; tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 3% năm 2020 theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết; người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi đều được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, thuộc nhóm nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới; chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam đạt mức 0,704 (so với các nước có cùng trình độ phát triển thì nước ta thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới), lần đầu tiên vào nhóm các nước phát triển con người cao và xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được năm mục tiêu hành động của Liên hiệp quốc (trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu). Đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; các mặt chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm…

“Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(8).

Khi đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nhất là biến chủng Delta lây lan với tốc độ nhanh trên nhiều tỉnh/thành của cả nước thì Đảng và Chính phủ đã đưa ra các quyết sách trên tinh thần nhân văn cao cả, đó là hi sinh tăng trưởng kinh tế để cứu người. Nếu không thẩm thấu tinh thần, lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội thì không có những chủ trương, quyết sách thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân bản vì con người như vậy.

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nói trên vừa khẳng định đường lối đúng đắn cùng sự lãnh đạo, quản lý tài tình của Đảng và Nhà nước; vừa là minh chứng để đập tan mọi loại quan điểm sai trái, thù địch.

Đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực sự là một đột phá tư duy rất cơ bản và sáng tạo của Ðảng, là thành quả phát triển lý luận và thực tiễn của Việt Nam qua quá trình đổi mới toàn diện đất nước./.

TS Trần Văn Thạch

Học viện Chính trị khu vực III

 ----------------------------

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tr.86

(2) Bộ Nội vụ: Tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp khối Đảng, Đoàn thể năm 2015 (Chuyên đề 7)

(3) Nguyễn Văn Huyên (2015), Đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tinh thần Đại hội XI của Đảng; https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/gioi-thieu-van-kien-dang/dac-trung-co-ban-cua-xa-hoi-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam-theo-tinh-than-dai-hoi-xi-cua-dang-gs-ts-nguyen-864

(4) (6) (8) Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-646305/

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2021, t1, tr.147

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, tr.134-135.

https://tuyengiao.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 16
Hôm nay: 13429
Tổng lượt truy cập: 3.593.025
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!