Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Ngày đăng: 08-02-2023

Bốn trụ cột cần triển khai quyết liệt trong năm bản lề 2023

Năm 2023 là năm quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tập trung thực hiện triệt để những giải pháp mà Đại hội XIII và các Hội nghị Trung ương (khóa XIII) đã đặt ra cũng như thực hiện có kết quả.

Ảnh minh họa

BỐN DẤU ẤN NỔI BẬT TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG

Năm 2022, Việt Nam có 4 dấu ấn nổi bật nhất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng:

Một là, trong năm 2022 có hai hội nghị Trung ương 5 và 6 (khóa XIII). Mỗi hội nghị ban hành một nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị Trung ương 5 ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Hội nghị Trung ương 6 là Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Hai nghị quyết này rất quan trọng, tác động trực tiếp đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi, diễn biến phức tạp, khó lường.

Hai là, Bộ Chính trị ban hành nhiều quy định liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ của Đảng, như: Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Thông báo kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật… Thực hiện các quy định của Bộ Chính trị, tại Hội nghị Trung ương 6, lần đầu tiên Đảng ta cho ba đồng chí Ủy viên Trung ương đương nhiệm thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) khi ba đồng chí này bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo. Đây là quyết định chưa từng có thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng để làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, thêm tin tưởng vào Đảng, vào chế độ.

Ba là, việc quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương đã có nhiều đổi mới. Chúng ta đã thực hiện tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai các nghị quyết của Trung ương vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, có những nơi kết nối trực tuyến đến tận cấp xã. Những đảng viên từ Trung ương đến cơ sở được nghe và truyền cảm hứng bởi sự truyền đạt nghị quyết từ các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng. Nhờ vậy nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh hơn. Điều đặc biệt là các đảng bộ triển khai thảo luận và thống nhất Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết Trung ương, do vậy mà các nghị quyết Trung ương được hiện thực trong toàn Đảng ngay từ ngày đầu, tháng đầu.

Bốn là, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường. Nhiều vụ án, vụ việc đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo quyết liệt. Nhiều vụ án lớn được đưa ra ánh sáng. Điều này đã củng cố và tăng cường thêm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

Đồng thời với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều thành tựu to lớn trong năm 2022.

Bất chấp tình hình thế giới và trong nước biến động, Việt Nam dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao trong năm 2022. Trong đó, Chính phủ kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt 8,02%, vượt chỉ tiêu 6-6,5% được giao. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc hơn 700 tỷ USD - lập đỉnh mới sau kết quả gần 670 tỷ USD năm ngoái; vốn FDI thực hiện gần 20 tỷ USD là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua; thu ngân sách nhà nước tăng gần 8% so với 2021. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động gấp 1,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Dù GDP năm 2022 tăng trưởng nhanh và có nhiều chỉ số vĩ mô tốt, trong những tháng cuối năm, Việt Nam chịu nhiều áp lực từ nguy cơ suy thoái toàn cầu. Xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế - bị ảnh hưởng. Việt Nam đã ghi nhận việc đơn hàng giảm dần, rơi mạnh ở hai quý cuối và tình trạng này có thể kéo dài đến giữa 2023. Điều này khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động hàng loạt. Cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao trong khi các kênh huy động vốn bị ách tắc cũng đang bủa vây, tạo nhiều thế khó cho doanh nghiệp.


Chỉ số CPI năm 2022 theo dự kiến của Chính phủ là 3,87% cho thấy lạm phát vẫn được kiểm soát dưới mục tiêu 4% của Quốc hội. So sánh với nhiều nước trong khu vực, mức tăng CPI của Việt Nam tương đối thấp trong bối cảnh bóng ma lạm phát phủ bóng toàn cầu.

Tuy nhiên, đây cũng là mức cao nhất trong 6 năm (2017-2022) của CPI và năm 2022 cũng là năm áp lực lạm phát được người tiêu dùng cảm nhận rõ nét qua sự leo thang về giá của nhiều mặt hàng.

Đầu tiên là xăng dầu - mặt hàng thiết yếu với người dân - liên tiếp lập đỉnh, lên kỷ lục 32.870 đồng một lít. Mặt bằng giá mới của nhiều hàng hoá, dịch vụ cũng được tăng theo xăng dầu, bào mòn túi tiền của người tiêu dùng. Cuối năm, dù xăng đã hạ nhiệt, giá nhiều hàng hóa vẫn không giảm theo.

Tương tự, trước những bất ổn kinh tế, địa chính trị, giá vàng SJC năm qua cũng lần đầu đạt ngưỡng 74,4 triệu, cao nhất từ trước đến nay. Sau khi lập đỉnh, giá vàng về vùng dưới 70 triệu và duy trì ở mức này. Giá USD ngân hàng cũng lập kỷ lục mới ở tháng 9 khi có lúc giao dịch ở mức 23.960 đồng, cao hơn 4% so với đầu năm.

TẬP TRUNG THỰC HIỆN TỐT 4 TRỤ CỘT

Năm 2023 là năm quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tập trung thực hiện triệt để những giải pháp mà Đại hội XIII và các Hội nghị Trung ương (khóa XIII) đã đặt ra cũng như thực hiện có kết quả Chương trình hành động của Chính phủ. Tập trung thực hiện tốt bốn trụ cột, gồm: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng của tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung 6 khóa XIII; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung 6 khóa XIII; tăng cường sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung 6 khóa XIII. Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đẩy mạnh hơn nữa công tác đối ngoại, an ninh - quốc phòng là những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để nâng cao vị thế, tiềm lực và uy tín của đất nước trên trường quốc tế, phát huy tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

https://tuyengiao.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 5439
Tổng lượt truy cập: 3.949.362
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!