Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tức nổi bật

Ngày đăng: 08-06-2023

Để ‘tròn’ sứ mệnh Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Hơn 10 năm qua, việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) của doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc, không đạt hiệu quả như mong đợi. Tình trạng "trích lập ít, tồn quỹ cao" rất đáng lo ngại trong bối cảnh doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Để khắc phục tình trạng này, Bộ KHCN, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về trích lập và sử dụng Quỹ, bãi bỏ nhiều quy định cứng nhắc, tạo cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải phóng nguồn lực Quỹ không phải là điều dễ dàng và sẽ còn nhiều việc phải làm cùng sự nỗ lực hơn nữa.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại nhà máy của Công ty TH True Milk - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp được đề cập lần đầu tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sau đó là Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017.

Sứ mệnh của Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp là tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh; đồng thời cũng thể hiện chủ trương của Nhà nước là huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho KHCN và đặc biệt là đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Tại Tập đoàn Viettel, Quỹ phát triển KHCN có ý nghĩa xuyên suốt trong chặng đường phát triển. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Viettel cho biết: "Ngay từ năm 2010, những năm đầu tiên Viettel xác lập quỹ, đã trích lập 3-10% thu nhập chịu thuế phát sinh trong năm để thành lập quỹ, giá trị lên tới 1.000-4.000 tỷ đồng".

Qua 10 năm trích lập quỹ cho thấy, nguồn quỹ đã giúp Viettel có những bước đà về mặt tăng trưởng doanh thu cũng như mở rộng các lĩnh vực để phát triển.

Tính đến thời điểm này, Viettel đã có khoảng 100 bằng sáng chế trong nước và bằng sáng chế được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Mỹ. Là một tập đoàn công nghệ, mục tiêu của từng đề tài nghiên cứu khoa học được sử dụng quỹ đều xác định rõ bởi bài toán kinh tế. Ví dụ, đối với công nghệ lõi, các nước không thể chuyển giao thì bắt buộc Tập đoàn phải đầu tư; những ứng dụng, công nghệ ứng dụng có thể chuyển thành mô hình kinh doanh luôn được xác định dài hơi và có đánh giá mục tiêu rõ ràng, chuyển hóa thành doanh thu, lợi nhuận... Tuy nhiên, những thành công như Viettel chỉ là số ít.

Doanh nghiệp ngại chi từ Quỹ và không muốn trích lập Quỹ

Số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, trong giai đoạn 2015-2021, có tổng số 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập Quỹ với tổng số tiền trên 23.895 tỷ đồng, trong đó số sử dụng trên 14.411 tỷ đồng, chiếm khoảng 60,3%. So với tổng số doanh nghiệp hiện có, số doanh nghiệp đã thực hiện trích lập Quỹ là khá khiêm tốn. Số trích Quỹ và sử dụng Quỹ lớn tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn.

Bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 cho phép doanh nghiệp trích 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để trích lập Quỹ phát triển KHCN. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để khuyến khích doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư cho KHCN theo chiều hướng lâu dài hơn và lớn hơn.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng trích được, bởi quy định 10% thu nhập trước thuế cũng có nghĩa là doanh nghiệp phải có thu nhập, phải có lãi... Do vậy, số lượng doanh nghiệp trích Quỹ sẽ không nhiều mà chỉ chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất hoặc là doanh nghiệp nào có nhu cầu công nghệ cao như Viettel hay PVN, VNPT, EVN...

Cũng theo đánh giá của Bộ KHCN, tỉ lệ trích lập Quỹ chưa phù hợp với cơ cấu và quy mô của doanh nghiệp Việt Nam khi phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gần như không có doanh nghiệp FDI nào trích lập Quỹ cho thấy cơ chế khuyến khích trích lập và sử dụng Quỹ chưa đủ hấp dẫn. Các quy định về quản lý Quỹ không phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc triển khai các hoạt động chi của Quỹ. 

Thủ tục hành chính trong kiểm soát chi của Quỹ chưa linh động và chưa phù hợp với đặc thù của Quỹ, có nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, thủ tục phức tạp khó thực hiện, như: Cơ chế giám sát nội dung chi tiêu Quỹ, quyết toán chi Quỹ với cơ quan quản lý nhà nước, chế tài phạt đối với việc trích lập mà không sử dụng hay sử dụng không hết 70% số trích… nên doanh nghiệp ngại chi từ Quỹ và từ đó không muốn trích lập Quỹ.

Trong khi đó, các khoản chi kể cả chi cho đầu tư và nghiên cứu khoa học mà phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có hóa đơn, chứng từ hợp pháp được đưa vào chi phí được trừ trong kỳ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Thủ tục mua sắm phục vụ nhiệm vụ KHCN sử dụng Quỹ thực hiện theo thủ tục của dự án đầu tư chưa phù hợp với đặc thù tính mới, tính hiếm, tính kịp thời, tính rủi ro cao của hoạt động KHCN.

Như vậy, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là phải khơi thông nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KHCN, đẩy nhanh tốc độ chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tăng hiệu quả sử dụng Quỹ của doanh nghiệp.

Để ‘tròn’ sứ mệnh Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt thăm và làm việc tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Cởi trói những thủ tục

Để tháo gỡ các vướng mắc chính trong việc sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, Bộ KHCN đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC ngày 07/11/2022 hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.

Theo đó, đối với những vướng mắc về nội dung chi, thủ tục trích lập quỹ việc quản lý, sử dụng quỹ đã có sự điều chỉnh theo hướng mở rộng hơn nội dung chi, cụ thể hơn các mục chi của quỹ và tạo cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp. Đồng thời, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN cũng quy định cụ thể hơn về thủ tục yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ phát triển KHCN của quốc gia, của bộ, ngành và địa phương cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ KH&CN) cho biết, ngoài hình thức chi theo nhiệm vụ KHCN, doanh nghiệp có thể dùng nguồn vốn này để chi hỗ trợ phát triển KHCN của doanh nghiệp (gồm trang bị cơ sở vật chất và kĩ thuật cho hoạt động KHCN; mua quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ; mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ; chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KHCN; chi đào tạo nhân lực KHCN; chi cho sáng kiến; chi cho hợp tác KHCN…); chi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ; chi phục vụ hoạt động quản lý quỹ. Điều này đã đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp.

Với tinh thần gỡ vướng, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC ngày 07/11/2022 (Thông tư 67) nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.

Một trong những điểm mới của Thông tư 67 là văn bản này dựa trên cơ sở Nghị quyết 43 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. 

Theo quy định trước đây, Quỹ KHCN của doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu KHCN của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thông tư 67 cho phép trong hai năm 2022 và 2023, doanh nghiệp có thể dùng Quỹ để mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nội dung này được hy vọng sẽ giảm được phần nào tình trạng tồn dư Quỹ như hiện nay, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn và phục hồi kinh tế cho doanh nghiệp sau đại dịch.

Ngoài ra, Thông tư 67 còn giải quyết bài toán quản lý tài sản mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt sau khi đã dùng quỹ. Trước đây, nếu doanh nghiệp dùng quỹ để mua máy móc thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ, sau đó chuyển sang sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu thiết bị chưa hết hao mòn thì sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần giá trị còn lại của tài sản. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp e ngại việc sử dụng quỹ để đầu tư trang thiết bị, hoặc không phát huy tối đa hiệu quả của trang thiết bị.

Do vậy, Thông tư 67 cho phép khi tài sản cố định hình thành từ nguồn Quỹ dùng đồng thời cho hoạt động nghiên cứu KHCN thì doanh nghiệp chỉ việc tiếp tục theo dõi quản lý theo quy định và không phải tính khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nội dung này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong trường hợp tài sản cố định hình thành từ nguồn Quỹ nhưng không sử dụng hết công suất, khi doanh nghiệp dùng tài sản này đồng thời cho sản xuất kinh doanh, nhằm tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

Để ‘tròn’ sứ mệnh Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp - Ảnh 3.

Dây chuyền công nghệ sản xuất giấy tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, các nội dung sửa đổi đã phần nào khắc phục được những vướng mắc, tạo thuận lợi hơn trong việc trích lập và sử dụng Quỹ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel cho rằng, Thông tư 05, Thông tư 67 có thêm một điểm lợi cho những doanh nghiệp nhỏ nằm trong Tập đoàn Viettel. Ví dụ như Tổng công ty sản xuất thiết bị, nếu sản xuất những sản phẩm mang tính chất kinh doanh ở ngoài viễn thông như các hệ thống thiết bị đầu cuối thì khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác là rất khó. Nhưng khi có Thông tư 05 và Thông tư 67, doanh nghiệp sử dụng quỹ để bổ sung đầu tư cho các hệ thống dây chuyền, máy móc. Đây là mục tiêu lớn nhất để sản xuất những thiết bị đủ tiêu chuẩn, đòi hỏi về mặt chất lượng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, Thông tư số 05 và Thông tư 67 đã giải quyết được một số nút thắt nhưng không giải quyết được hết các tồn tại. Bởi một trong những căn cứ ban hành Thông tư 05 và Thông tư số 67 là Nghị định 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động KHCN vẫn chưa được sửa đổi cho tương thích, nên chưa thể giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.

Để hoàn thiện cơ chế chính sách giải phóng tối đa nguồn lực của Quỹ cần phải có sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KHCN ở tầm quốc gia liên quan đến Luật KHCN, Luật Đấu thầu…

Và sẽ vẫn cần thêm sự quyết liệt trong cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giúp các quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; xây dựng các quy định về số tiền trích quỹ một cách phù hợp, công bằng giữa các khối doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp (hiện nay Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ) cũng như mạnh dạn mở cho một vài doanh nghiệp được phép thí điểm, bỏ qua một số quy định liên quan đến đấu thầu, liên quan đến định giá và giao toàn bộ quyền chủ động cho doanh nghiệp…

https://baochinhphu.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 691
Tổng lượt truy cập: 3.973.307
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!