Trao giấy chứng nhận và khen thưởng sản phẩm OCOP năm 2022
Ngày 04/8/2023, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố Quyết định, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2022 và tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, hộ kinh doanh có thành tích xuất sắc trong phong trào thực hiện chương trình OCOP năm 2022. Tham dự có đồng chí Hà Sỹ Đồng, UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban điều hành OCOP tỉnh.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban điều hành OCOP tỉnh trao giấy chứng nhận và khen thưởng sản phẩm OCOP
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 115 sản phẩm đạt từ 3-4 sao, trong đó có 42 sản phẩm 4 sao và 73 sản phẩm 3 sao. Năm 2022, toàn tỉnh có 56 hồ sơ và sản phẩm của 28 chủ thể (chủ yếu là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó cụ thể: thành phố Đông Hà có 5 sản phẩm; huyện Cam Lộ 19 sản phẩm; huyện Hướng Hóa 8 sản phẩm; huyện Vĩnh Linh 3 sản phẩm; huyện Hải Lăng 3 sản phẩm; huyện Triệu Phong 9 sản phẩm; Đakrông 3 sản phẩm; huyện Gio Linh 4 sản phẩm và thị xã Quảng Trị 2 sản phẩm. Phần lớn các sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng năm 2022 đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, chất lượng và mang nét văn hóa, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh.
Sau quá trình rà soát, đánh giá, phân hạng, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận 50 sản phẩm. Trong đó có 37 sản phẩm mới, 13 sản phẩm nâng hạng và công nhận lại. Đặc biệt, có 23 sản phẩm 3 sao, 26 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm đủ điều kiện đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xem xét công nhận sản phẩm hạng 5 sao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đánh giá cao sự nỗ lực, sáng tạo của các chủ thể, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp trong việc lan tỏa và nhân rộng chương trình OCOP. Đồng thời, khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của UBND tỉnh là tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh. Chú trọng chất lượng nguồn gốc xuất xứ, không chạy theo số lượng, không phô trương thành tích; các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận phải khẳng định được chất lượng, thương hiệu và yếu tố của thị trường.
Để tiếp tục lan tỏa, triển khai có hiệu quả chương trình OCOP trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình này. Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gắn với xây dựng vùng nguyên liệu địa phương theo hướng sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến thức, tài nguyên bản địa.
Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP, trong đó tập trung trọng tâm vào trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường.
Phát triển chương trình OCOP phải gắn với các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển cây con chủ lực, xúc tiến thương mại, phát triển ngành nghề nông thôn, chương trình khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP theo quy định của pháp luật và quy định tại Quyết định số 357/QĐ-UBND ngày 08/3/2023 của UBND tỉnh./.
Hải Yến, Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo