Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Phổ biến pháp luật

Ngày đăng: 09-11-2023

Phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030

Ngày 08/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1305/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 (Chương  trình ). Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.

Chương trình phấn đấu nằm trong nhóm 03 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030.

Mục tiêu cụ thể

a. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó; tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 - 7,5%/năm.

b. Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023 - 2030.

c. Phấn đấu nằm trong nhóm 03 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030.

d. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo tăng trung bình 15%/năm đến năm 2025 và tăng trung bình 20%/năm đến năm 2030

đ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030.

e. Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đạt dưới 30% vào năm 2020 và dưới 20% vào năm 2030.

g. Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP vào năm 2025 và đạt khoảng 50% GDP vào năm 2030.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chương trình đã đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể như sau:

1. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nền tảng ổn định, bền vững cho tăng năng suất lao động.

2. Hoàn thiện khung khổ pháp luật, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài nhằm cải thiện năng suất lao động.

3. Thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.

4. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

5. Phát triển mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

6. Thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành.

Nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ

a. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới năng suất và đổi mới sáng tạo nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo.

b. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch nâng cao năng suất tổng thể dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Đề án về giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động.

c. Chủ trì nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút nhân tài, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy liên kết, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

d. Chủ trì nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích nghiên cứu, phát triển và áp dụng các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quá trình sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam.

đ. Chủ trì xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện chính sách thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ.

Nguyễn Thị Hòa

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 11
Hôm nay: 82
Tổng lượt truy cập: 2.846.134
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.