Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Ngày KHCN Việt Nam 18-5

Ngày đăng: 15-05-2023

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2023, chiều 11/5/2023, tại Tp.Nam Định đã diễn ra Diễn đàn cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).

Sự kiện do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ (KH&CN) tỉnh Nam Định, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia (VSMA) dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
 

 

Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao.

Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương. Sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSH, các tổ chức quốc tế và đại sứ quán, doanh nhân, các trường đại học - cao đẳng, các tổ chức thúc đẩy - hỗ trợ khởi nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp các địa phương, đặc biệt là sự tham gia của khoảng 200 startup, thanh niên, sinh viên.

Hỗ trợ thúc đẩy phát triển khởi nghiệp ĐMST

Đây là diễn đàn đầu tiên được tổ chức có chủ đề dành riêng cho vùng ĐBSH - khu vực có tiềm năng phát triển, trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST lớn của cả nước, thu thút và ươm tạo nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cho các địa phương.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Diễn đàn tập trung thảo luận, trao đổi để hướng đến mục tiêu xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động cho các lãnh đạo vùng ĐBSH trong việc chỉ đạo hoạt động hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương; xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vùng ĐBSH theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW.
 

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn.

Ông cho biết thêm, với mục tiêu phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp thì các chương trình và hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp mà VCCI đang cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng về chính sách, cơ chế và hệ sinh thái để cộng đồng khởi nghiệp trải nghiệm thực tiễn, góp phần phát triển doanh nghiệp. 

Đồng chí Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định, Nam Định là tỉnh có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, là nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp với “Hào khí Đông A”; trung tâm vùng Nam ĐBSH có nhiều lợi thế, tiềm năng về phát triển kinh tế biển, các loại hình du lịch sinh thái, lịch sử, tâm linh. Đặc biệt, Nam Định có truyền thống khoa bảng, yêu nước, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất.
 

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại Diễn đàn.

Những năm qua, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; chuyển hướng mạnh phát triển công nghiệp hiện đại dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và ĐMST, chuyển đổi số, thân thiện với môi trường; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển gắn với thúc đẩy liên kết vùng, có tính đột phá để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, kinh tế tỉnh Nam Định có bước tăng trưởng khá, năm 2022 tốc độ tăng trưởng đạt 9,07%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ…

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, hiện nay, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia hiệu quả, có tính liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện. Trong đó, tập trung khai thác nguồn lực địa phương sẽ tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia.

Diễn đàn cấp cao là một trong những hoạt động trọng tâm góp phần tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tạo lập văn hóa khởi nghiệp và khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa; đẩy mạnh liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mở, kết nối các chủ thể; liên kết và phát triển Mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo các tỉnh khu vực ĐBSH, thúc đẩy ứng dụng giải pháp công nghệ trong sản xuất và kinh doanh, thực hiện thành công mục tiêu của Đề án 844, chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chương trình, đề án có liên quan.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng lưu ý ba điểm ưu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của vùng ĐBSH gồm: ưu tiên tập trung vào con người, phát triển đào tạo, giáo dục về khởi nghiệp ĐMST; cần có cơ chế khuyến khích những sáng kiến liên quan tới việc huy động nguồn lực các bên để kết nối các mạng lưới, các trung tâm ĐMST mở tạo thành trung tâm vùng tận dụng nguồn lực trung ương, quốc tế; có những chính sách thí điểm, đặc thù trong vùng.
 

Thứ trưởng Thường trực Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn.

Thứ trưởng mong rằng Nam Định sẽ trở thành một trong những nơi đóng vai trò hạt nhân cùng với các địa phương khu vực ĐBSH phát triển các lĩnh vực thế mạnh theo hướng mở để thu hút các nguồn lực. Đây cũng là những điểm cốt yếu về khởi nghiệp ĐMST đã được nhắc tới trong Chiến lược Khoa học, Công nghệ và ĐMST đến năm 2030.

Từ thực tế địa phương, ông Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nam Định khẳng định, trong giai đoạn vừa qua, các địa phương đã thực hiện việc hỗ trợ, xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhưng chưa có tính thống nhất và đồng bộ. Một số địa phương trong vùng, trong khu vực thiếu tính kết nối và chia sẻ. Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng ĐBSH, các tỉnh/thành vùng ĐBSH cần sát cánh, đồng hành cùng nhau trong một số nội dung hoạt động cụ thể như: truyền thông khởi nghiệp ĐMST; hợp tác chia sẻ thông tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các điển hình khởi nghiệp của các địa phương trong vùng.
 

Ông Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nam Định phát biểu tại phiên thảo luận.

Giám đốc Sở KH&CN cũng đề xuất Bộ KH&CN đầu tư xây dựng Khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tập trung với quy mô vùng với đầy đủ các hạng mục, bao gồm cả khu ươm tạo công nghệ và khu không gian sáng tạo để các công ty khởi nghiệp trong vùng có thể sử dụng. Cùng với đó phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức, hội thảo, sự kiện cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp.
 

Các diễn giả tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung vào hai phiên thảo luận chính: Thực tiễn khởi nghiệp ở vùng ĐBSH; Các giải pháp hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Vùng. Phiên thảo luận đã bàn bạc, định hướng chiến lược và kế hoạch hành động cho lãnh đạo Vùng ĐBSH trong việc chỉ đạo và điều hành xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST địa phương gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế vùng, quốc gia về đổi mới sáng tạo; đánh giá thực trạng và nhìn nhận lại thực tiễn triển khai các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn các tỉnh/thành vùng ĐBSH trong thời gian vừa qua; tìm kiếm giải pháp liên kết, thu hút các nguồn lực hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương kết hợp giữa các tỉnh trong vùng ĐBSH.

https://www.most.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 14
Hôm nay: 4657
Tổng lượt truy cập: 2.831.560
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.