Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Chuyển đổi số

Ngày đăng: 04-11-2022

Truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế

Hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế" do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Nhân dân và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức diễn ra vào sáng nay (3/11) tại Hà Nội.

 

Hội thảo nhằm trao đổi xu hướng chuyển đổi số, hội nhập quốc tế hiện nay, từ đó tìm kiếm các kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách trong bối cảnh mới.

Hội thảo gồm phiên khai mạc và 2 phiên chuyên đề, tập trung vào các nội dung: Kinh nghiệm chính sách của Việt Nam - Hàn Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số; các sáng kiến, giải pháp để thúc đẩy truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế.

"Chuyển đổi số" là từ khóa đặc biệt quan trọng và phổ biến trên các diễn đàn khoa học, báo chí và hành chính trong thời gian qua. Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn trở thành một đòi hỏi đối với các cơ quan báo chí - truyền thông. Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 càng nhấn mạnh tầm quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số trong việc thay đổi phương thức vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí - truyền thông. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đã gia tăng thêm động lực cho quá trình chuyển đổi số, đòi hỏi các cá nhân và tổ chức tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm kiến tạo đổi mới, tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng chuyển đổi số báo chí không chỉ là vấn đề về công nghệ, còn là chuyển đổi về tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo, cũng như chuyển đổi về văn hóa trong cả tòa soạn. Công nghệ nằm ở vị trí trung tâm của chiến lược chuyển đổi số nhằm tạo ra những nội dung hấp dẫn, chinh phục các nhóm công chúng mới. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cần có tư duy chuyển đổi số và lan tỏa tư duy này đến mọi cán bộ, phóng viên của cơ quan báo chí.

Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam chia sẻ: "Chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược, xuất hiện trong cả trong lĩnh vực công lẫn khối doanh nghiệp tư. Các công nghệ truyền thông kỹ thuật số như 5G, điện toán đám mây đã trở thành nền tảng để chúng ta làm việc tại nhà. Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật vẫn hiện hữu ở xung quanh mà chúng ta không biết như giới thiệu các sản phẩm đáp ứng mong muốn, nhu cầu mà chúng ta tìm kiếm. Sự chuyển đổi này không chỉ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, còn là một sự chuyển đổi lớn đang diễn ra trong cấu trúc kinh tế, xã hội".

PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: Dù khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng các cơ quan báo chí - truyền thông còn nhiều việc phải làm để biến xu hướng này thành hiện thực. 

Để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số, theo PGS. TS. Phạm Minh Sơn, các cơ quan báo chí - truyền thông cần có ít nhất "3 chữ C": Chiến lược, công nghệ và con người. Trước hết, chuyển đổi số cần là một chiến lược, thể hiện tầm nhìn xuyên suốt của cơ quan báo chí - truyền thông và được hiểu thống nhất từ cấp lãnh đạo đến cấp thực thi. Bởi lẽ, chuyển đổi số cần một tầm nhìn, kế hoạch dài hạn trong xây dựng hạ tầng thông tin, bồi dưỡng con người, ứng dụng công nghệ.

Thứ hai, chuyển đổi số chính là quá trình ứng dụng công nghệ số để đổi mới phương thức, mô hình hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Công nghệ chính là yếu tố trung tâm trong quá trình chuyển đổi số, tạo ra sự thay đổi trong cách thức vận hành theo hướng tiết kiệm nguồn lực nhưng gia tăng hiệu quả. Tuy nhiên, công nghệ luôn thay đổi và việc ứng dụng công nghệ luôn đòi hỏi sự chấp nhận của người sử dụng. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, không dựa trên nền tảng năng lực, mức độ chấp nhận công nghệ có thể tạo ra những tác động ngoài mong muốn.

Thứ ba, bất kỳ chiến lược nào muốn được thực hiện thành công cũng cần có những con người phù hợp. Trong ngắn hạn, các cơ quan báo chí - truyền thông cần những nhà báo nhanh nhạy công nghệ, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, có khả năng quản lý sự thay đổi. Trong dài hạn, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần đào tạo những nhà báo đa phương tiện, nhà báo số - những người có khả năng làm việc đa năng, đa nhiệm trong môi trường truyền thông số.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về báo chí - truyền thông trong dòng chảy chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, đóng góp của xuất bản đối với truyền thông chính sách, đào tạo nhân lực truyền thông chính sách. Đồng thời, các chuyên gia truyền thông Hàn Quốc cũng đưa ra các mô hình và phương thức truyền thông chính sách của Hàn Quốc; về công nghệ chuỗi khối (blockchain) và hệ sinh thái mới...

Hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế" là hoạt động trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ (giai đoạn 2) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ. 

Đây là hoạt động thường niên, bắt đầu được tôt chức từ năm 2016. Hội thảo là diễn đàn quan trọng cho các chuyên gia Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giải pháp cho các vấn đề báo chí, truyền thông, xã hội có ý nghĩa lý luận, thực tiễn./.

https://baochinhphu.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 3938
Tổng lượt truy cập: 2.734.443
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.