Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Chuyển đổi số

Ngày đăng: 10-11-2022

Tăng cường xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với khách hàng

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP. Những hoạt động này đã và đang trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị tham gia chương trình giao thương trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với xây dựng NTM bền vững.

Sau thời gian triển khai thực hiện, chương trình OCOP đã có tác động lớn đến phát triển kinh tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua chương trình đã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao.

Đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh đã có 90 sản phẩm của 51 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 72 sản phẩm 3 sao và 18 sản phẩm 4 sao. Các chủ thể OCOP bao gồm 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 12 HTX, 4 tổ hợp tác, 20 hộ sản xuất, kinh doanh.

Các sản phẩm OCOP chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm với 79 sản phẩm, 8 sản phẩm thảo dược, 2 sản phẩm thủ công mỹ nghệ và 1 sản phẩm đồ uống. Hầu hết các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP đều mở rộng được thị trường, hệ thống mạng lưới tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh.

Nhiều sản phẩm OCOP đã được đăng bán trên các sàn giao dịch điện tử, ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các chuỗi bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc. Đến nay đã có trên 90% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso. vn, có 3 doanh nghiệp đã lên sàn thương mại điện tử Alibaba gồm Công ty TNHH MTV Từ Phong, Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân và Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị.

Đặc biệt, các sản phẩm OCOP của Quảng Trị đã được các ngành chức năng tỉnh hỗ trợ, đã tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Từ đó nhiều sản phẩm đã tạo nên hình ảnh, thương hiệu của tỉnh Quảng Trị như: gạo hữu cơ Quảng Trị, cà phê Khe Sanh, tinh bột sắn, tiêu Cùa, tiêu Vĩnh Linh; măng chua, măng dầm tỏi ớt, măng khô, muối đậu sả, mỳ sợi mẹ Milk, nước mắm Khiêm Trọng, mắm ruốc, bơ đậu phộng Super Green, trà cà gai leo, cao chè vằng, rong biển... được người tiêu dùng đánh giá cao.

Bên cạnh đó, 16 cơ sở đã có trang thông tin thương mại điện tử, có 32 cơ sở kinh doanh online, facebook; có 20 cơ sở ứng dụng mã QR-code để truy xuất thông tin nguồn gốc các sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP trên địa bàn Quảng Trị.

Gần đây nhất, vào tháng 7/2022, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) - Quảng Trị 2022 tại Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh). Với hơn 400 gian hàng của 250 doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trong nước và các doanh nghiệp đến từ Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia… Hội chợ là cơ hội rất lớn để các sản phẩm OCOP Quảng Trị giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm khách hàng.

Ngoài ra, năm 2022 tỉnh đã tổ chức đoàn thương mại tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội tại Trung tâm Thương mại Aeon Hà Đông gồm các sản phẩm nông sản đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh như gạo hữu cơ, chuối sấy dẻo, sản phẩm tinh bột nghệ, cốm gạo lứt, cao dược liệu...

Đây là hoạt động thuộc đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản của UBND tỉnh do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, phương thức, tiêu chuẩn thu mua của các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, các nhà phân phối, tiêu thụ giữa các địa phương; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau COVID-19.

Kết quả đã có 5 biên bản ghi nhớ hợp tác, lượng khách tham quan gian hàng khoảng 5.000 người, doanh thu bán hàng ước đạt khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh đó đã tổ chức thành công đoàn giao thương xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tỉnh Quảng Trị tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam.

Chương trình đã hỗ trợ 12 doanh nghiệp có cơ hội khảo sát, tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm kiếm khách hàng để đẩy mạnh hợp tác, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp đến với khách hàng và đối tác tại các tỉnh, góp phần phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh Quảng Trị đã xác định mục tiêu đến cuối năm 2025 có thêm 100 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 - 3 sản phẩm 5 sao, 15 - 20 sản phẩm 4 sao, có 1 - 2 sản phẩm OCOP là sản phẩm du lịch cộng đồng. Đến năm 2030, có thêm 100 sản phẩm OCOP, trong đó nâng tổng số sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh từ 5 - 7 sản phẩm.

Để đạt được các mục tiêu trên, cần tiếp tục triển khai hiệu quả và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế. Đồng thời chú trọng hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP thành thạo các kỹ năng thương mại điện tử để tăng cường tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng.

http://www.baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 4736
Tổng lượt truy cập: 2.799.335
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.