Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp tỉnh "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh Quảng Trị"
Ngày 18/04/2025, Hội đồng tư vấn do ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chủ trì đã tiến hành nghiệm thu đề tài KH&CN cấp tỉnh: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh Quảng Trị”. Đề tài do ông Phan Văn Phụng, UVTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Trị làm chủ nhiệm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì.

Ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hải Yến.
Mục tiêu của đề tài là đi sâu tìm hiểu, đánh giá thực trạng công tác đánh giá cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh hiện nay, tập trung vào đánh giá cán bộ hằng năm, đánh giá trước khi quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển và mối liên hệ giữa hai nội dung này; từ đó xác định tính hiệu quả của những nội dung đang triển khai, đồng thời chỉ ra những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, rút ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và đề xuất các giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ.

Ông Phan Văn Phụng, UVTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Trị, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hải Yến.
Trước hội đồng, đơn vị thực hiện đã báo cáo nội dung, kết quả đạt được của đề tài. Theo đó, Đơn vị thực hiện đã triển khai các nội dung và đạt được kết quả: Nghiên cứu cơ sở lý luận về công tác đánh giá cán bộ. Đã nghiên cứu, tổng hợp và phân tích làm rõ các quan điểm, chủ trương, nguyên tắc của Đảng về công tác đánh giá cán bộ hàng năm và đánh giá cán bộ trước khi quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển. Nghiên cứu cơ sở thực tiễn về công tác đánh giá cán bộ. Tiến hành điều tra, khảo sát, phân tích thực trạng công tác đánh giá cán bộ.
Sản phẩm của đề tài gồm: Báo cáo kết quả khảo sát trong tỉnh. Báo cáo kết quả học tập kinh nghiệm tại 02 tỉnh Phú Yên và Quảng Ninh. 09 Báo cáo chuyên đề, cụ thể: Báo cáo chuyên đề 1: Việc triển khai thực hiện quy trình đánh giá cán bộ hằng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương; nghiên cứu sự phù hợp giữa quy định và thực tiễn công tác đánh giá, nhất là quy trình và bộ tiêu chí đánh giá. Báo cáo chuyên đề 2: Những kết quả đạt được trong đánh giá cán bộ hằng năm; nghiên cứu, so sánh giữa kết quả đánh giá và thực tế chất lượng cán bộ. Báo cáo chuyên đề 3: Những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, khuyết điểm trong việc đánh giá cán bộ hằng năm và nguyên nhân. Báo cáo chuyên đề 4: Việc triển khai thực hiện quy trình đánh giá cán bộ trước khi quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển của các cơ quan, đơn vị, địa phương; nghiên cứu sự phù hợp giữa quy định và thực tiễn. Báo cáo chuyên đề 5: Những kết quả đạt được trong đánh giá cán bộ; nghiên cứu, so sánh giữa kết quả đánh giá và nhân sự được quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển. Báo cáo chuyên đề 6: Những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, khuyết điểm trong việc đánh giá cán bộ khi quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển và nguyên nhân. Báo cáo chuyên đề 7: Giải pháp về cơ chế, quy định. Báo cáo chuyên đề 8: Giải pháp về con người. Báo cáo chuyên đề 9: Giải pháp về khoa học, công nghệ. Báo cáo kiến nghị đối với Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hoàn thành Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ. Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài. Báo cáo tổng kết đề tài. Và bài báo đăng trên Báo Quảng Trị và Tạp chí Xây dựng Đảng.
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ giúp cho các cấp ủy, tập thể lãnh đạo quản lý các cấp có được sự nhìn nhận tổng thể về công tác đánh giá cán bộ hiện nay, từ đó có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp; là cơ sở để cơ quan tham mưu về công tác cán bộ tiến hành sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định mới về công tác đánh giá cán bộ.
Hội đồng đánh giá thuyết minh đề tài nghiêm túc, khoa học. Các thành viên Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm, đơn vị chủ trì thực hiện bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện các nội dung của báo cáo kết quả đề tài theo những góp ý của các thành viên và thống nhất xếp loại Đề tài: Đạt./.
Hải Yến