Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 11-12-2023

Tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cát

Để tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cát ven biển, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thông qua dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) tỉnh Quảng Trị để xây dựng 15 mô hình khuyến nông tại các xã vùng cát ven biển của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh. Các mô hình khuyến nông đã mang lại hiệu quả kinh tế trong thực tế và đang được các địa phương từng bước triển khai nhân rộng.

Mô hình trồng mướp đắng canh tác tự nhiên tại thôn Đông Dương, xã Hải Dương, Hải Lăng mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh:TTKN

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành tổng kết mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm năm 2023 tại xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) và mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh năm 2023 tại xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong). Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm năm 2023 được triển khai từ tháng 5 - 9/2023 tại thôn Tân Hòa, Đông Luật, Thử Luật (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) với sự tham gia của 9 hộ dân (mỗi hộ nuôi 5 con giống lợn 3 máu (100% giống ngoại).

Hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ trên diện tích 1,5 - 2 m2 /con; đảm bảo đủ các trang thiết bị như máng ăn uống, dụng cụ phục vụ chăn nuôi... Lợn trong giai đoạn 1 sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh dùng cho lợn từ 10 - 20 kg. Giai đoạn 2 sử dụng bột ngô, cám gạo phối trộn ủ men vi sinh làm thức ăn đảm bảo thành phần dinh dưỡng; thức ăn giàu đạm như cá, rỉ mật sau khi ủ chín lên men cung cấp nguồn dinh dưỡng cho lợn. Sử dụng tỏi lên men để phòng bệnh trong quá trình chăn nuôi... Sau 120 ngày nuôi, lợn thịt đạt trọng lượng bình quân 75 kg/con. Người chăn nuôi có lãi 717.000 đồng/con (cao gấp 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống)...

Năm 2023, được sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh tại xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong) và xã Gio Châu (huyện Gio Linh), với sự tham gia của 2 hộ dân (mỗi hộ dân nuôi 10 con bò). Mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh năm 2023 được triển khai từ tháng 3 - 11/2023.

Mô hình đã chọn giống bò hướng thịt (lai BBB, F2 Brahman) được tuyển chọn đảm bảo các tiêu chuẩn nuôi thịt; có khả năng chịu đựng tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, ít bệnh tật, sử dụng tốt các loại thức ăn thô xanh. Khẩu phần ăn được phối hợp căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng với thức ăn thô xanh (đảm bảo 10 - 15% trọng lượng của bò); thức ăn tinh (đảm bảo 1 - 1,5% trọng lượng của bò); bò được ăn thêm rỉ mật mía, muối và bổ sung khoáng đa lượng, vi lượng bằng tảng đá liếm.

Kết quả theo dõi trọng lượng của đàn bò bằng thước dây theo thời gian cố định của tháng cho thấy tăng trọng bình quân của bò lai BBB đạt 1,25 kg/con/ngày; bò lai Brahman đạt 0,9 kg/con/ngày. Sau 10 tháng nuôi, ước tính doanh thu từ mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh là khoảng trên 473 triệu đồng (bò lai BBB); mang lại thu nhập trên 101 triệu đồng và khoảng trên 323 triệu đồng đối với bò lai Brahman, mang lại thu nhập trên 70 triệu đồng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết, các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế nêu trên là 2/15 mô hình khuyến nông mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại các xã vùng cát ven biển của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh. Đơn cử như mô hình sản xuất thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại thôn Thuận Đầu (xã Hải An, huyện Hải Lăng) trong năm 2023.

Mô hình này đã giúp người dân tìm được đối tượng nuôi mới, phù hợp với điều kiện khí hậu để nuôi thâm canh trên địa bàn tỉnh. Lợi nhuận thu được gần 50 triệu đồng/0,2 ha/ vụ (khoảng 250 triệu đồng/ha). Mô hình nuôi thâm canh cá chim vây vàng sẽ giúp người dân vùng ven biển chuyển đổi sang đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học tại xã Gio Việt (huyện Gio Linh) với quy mô 4.000 con/20 hộ. Thời gian thực hiện mô hình này khoảng 6 tháng (từ tháng 2 - 8/2023). Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ thu lãi trên 8,4 triệu đồng. Thông qua mô hình nhằm giúp người dân thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang phương thức chăn nuôi có đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới mang lại hiệu quả kinh tế; giảm ô nhiễm môi trường và tạo việc làm cho một số hộ dân tại địa phương.

Mô hình sản xuất và chế biến dưa muối với sự tham gia của 40 hộ dân là hội viên Hội LHPN xã Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh) trong năm 2023. Địa điểm thực hiện mô hình tại thôn Thủy Tú (xã Vĩnh Tú) với quy mô 4 ha, cho lợi nhuận 457 triệu đồng (cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các cây trồng cạn khác). Mô hình trồng mướp đắng canh tác tự nhiên tại thôn Đông Dương (xã Hải Dương, huyện Hải Lăng) với diện tích 10 ha và có 70 hộ dân tham gia trong năm 2023, đem lại hiệu quả cao.

Mô hình nuôi thủy sản quảng canh tự nhiên (tôm sú + cua) tại thôn Bắc Phước, An Cư, Lưỡng Kim (xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong) với 5 ha và 12 hộ dân tham gia. Sau 6 tháng thực hiện mô hình nuôi thủy sản quảng canh trong rừng ngập mặn xen ghép tôm sú và cua cho lợi nhuận hơn 726 triệu đồng, góp phần cải thiện môi trường sinh thái...

“Chăn nuôi, trồng trọt trên cát là một trong những lợi thế của các xã vùng cát ven biển. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục tìm nguồn lực để xây dựng thêm nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở các xã vùng cát ven biển. Sau đó, sẽ tiến hành chuyển giao mô hình cho các địa phương để triển khai nhân rộng; từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cát ven biển”, ông Trần Cẩn cho biết thêm.

https://baoquangtri.vn

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 1000
Tổng lượt truy cập: 2.827.903
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.