Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 16-09-2024

Hướng Hóa tiếp tục triển khai tái canh cây cà phê

Với lợi thế đất đỏ ba dan dồi dào, màu mỡ, độ cao và khí hậu thích hợp nên cây cà phê được xem là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa, với diện tích gần 4.000 ha, chủ yếu là giống cà phê cartimor, bình quân mỗi năm toàn huyện đạt sản lượng trên 50.000 tấn quả tươi. Sản xuất cây cà phê có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình, trong đó có không ít gia đình là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã đặc biệt khó khăn.

Sản phẩm cà phê đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân huyện Hướng Hóa - Ảnh: Đ.P

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết, những năm qua, bên cạnh kết quả đạt được, ngành cà phê của huyện vẫn còn một số tồn tại đó là sản xuất thiếu ổn định và bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ; sản lượng và chất lượng cà phê thấp do diện tích cà phê già cỗi tăng cao, sản xuất chưa gắn với bảo vệ môi trường, việc áp dụng kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch của người dân còn hạn chế nên sản phẩm có sức cạnh tranh thấp so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, dẫn đến hiệu quả sản xuất cà phê chưa cao. Mặt khác, chuỗi giá trị của ngành hàng cà phê từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ...

Để giúp người trồng cà phê cải tạo chất lượng vườn cây, ổn định năng suất và sản lượng, UBND huyện Hướng Hóa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê chè theo quyết định của UBND tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, tính đến năm 2025, tập trung vào 10 xã, thị trấn trồng cây cà phê chủ lực trên địa bàn huyện, gồm Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng, Húc và thị trấn Khe Sanh, với diện tích 1.910 ha, trong đó giai đoạn 2017 - 2020 là 800 ha; giai đoạn 2021 - 2025 là 1.110 ha.

Thực hiện Đề án “Chuyển đổi phục hồi một số diện tích đất trồng cây kém hiệu quả trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030”, huyện xác định thực hiện phục hồi, tái canh cây cà phê đến năm 2025 với diện tích 779 ha.

Theo đó, xác định giống là khâu quan trọng trong việc tái canh cây cà phê, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn liên quan tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền người dân sử dụng giống có nguồn gốc xuất xứ; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng và chứng nhận 1 vườn giống cây đầu dòng, xây dựng 1 vườn ươm giống công nghệ cao đảm bảo chất lượng; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng đề tài “Nghiên cứu, xây dựng mô hình thí nghiệm một số giống cà phê chè có triển vọng trên địa bàn huyện”.

Nhờ vậy, giống cà phê tái canh chủ yếu là sử dụng giống cà phê chè Catimor, ngoài ra sử dụng thêm giống cà phê THA1 để trồng tái canh. Bên cạnh đó đã tổ chức 16 lớp tập huấn về tái canh cây cà phê, với 690 người tham gia.

Năm 2017 sản phẩm cà phê chè Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê vùng Hướng Hóa. Với nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh” đã tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản của địa phương khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Thực hiện Chương trình quốc gia từ giai đoạn 2017 - 2023 đã hỗ trợ 8 chủ dự án ứng dụng công nghệ máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến thành phẩm với kinh phí 885 triệu đồng; huyện cũng đã xây dựng được 6 sản phẩm cà phê bột, cà phê hạt rang được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó 5 sản phẩm cà phê 4 sao và 1 sản phẩm cà phê 3 sao.

Từ năm 2017 đến 2023, huyện Hướng Hóa đã triển khai chương trình tái canh cây cà phê ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Hướng Sơn, Ba Tầng và thị trấn Khe Sanh, với diện tích trồng mới và tái canh 924,5 ha, trong đó ngân sách hỗ trợ tái canh 367,25 ha. Hầu hết các vườn tái canh đều sinh trưởng tốt, năng suất đạt 15 tấn quả tươi/ha, cao hơn 1,2 đến 1,5 lần so với các vườn chưa được tái canh.

Tuy nhiên, hiện nay trong tổng số gần 4.000 ha cà phê của huyện, diện tích cây cà phê già cỗi đang còn nhiều, chiếm khoảng 50%. Theo đó, tình trạng cây cà phê già cỗi đã tác động rất lớn đến năng suất và sản lượng của cà phê.

Mặt khác do những năm gần đây, giá cà phê xuống thấp trong khi đó giá vật tư đầu vào tăng cao nên người trồng cà phê ít đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh khiến cho năng suất và sản lượng cà phê giảm.

Mặc dù năng suất và sản lượng cà phê giảm nhưng chất lượng, thương hiệu cà phê Khe Sanh ngày càng được nâng cao nhờ đổi mới phương thức sản xuất theo hướng an toàn chất lượng cao.

Hiện nay, có hơn 1.000 ha cà phê sản xuất có liên kết, chứng nhận, tập trung tại các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Tân, thị trấn Khe Sanh; có nhiều hợp tác xã sản xuất, chế biến cà phê đã lựa chọn hướng sản xuất cà phê sạch, cà phê sinh thái để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu như: Hợp tác xã (HTX) Cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây, HTX Cà phê bản địa, Công ty TNHH Pun Coffee, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nam Hải CNS, HTX Nông sản Khe Sanh...

Đây là những chuyển biến quan trọng để xây dựng và khôi phục thương hiệu cà phê Khe Sanh cũng như nâng cao giá trị gia tăng của cà phê trong thời gian đến.

Để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát huy vai trò của cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người trồng cà phê, huyện Hướng Hóa tiếp tục triển khai thực hiện tái canh cây cà phê.

Theo đó, đến năm 2025 sẽ thực hiện phục hồi, tái canh 779 ha cà phê, trong đó năm 2025 sẽ thực hiện tái canh cây cà phê theo hướng đặc sản hữu cơ kết hợp trồng xen ghép cây ăn quả với diện tích 100 ha.

Cùng với tập trung đầu tư tái canh cây cà phê của huyện và người trồng cà phê, cần có sự quan tâm của tỉnh và sự hợp tác của các doanh nghiệp về trồng và chế biến cà phê, để cà phê Hướng Hóa ngày càng khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng cà phê, nhất là người trồng cà phê là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 12
Hôm nay: 2744
Tổng lượt truy cập: 3.943.897
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!