Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 15-10-2024

Hội thảo “Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường – Cuộc đời và sự nghiệp”

Chiều nay 14/10, tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, UBND huyện Triệu Phong phối hợp Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Quảng Trị, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo “Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường – Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường 14/10 (1824-2024). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc dự hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Tiến Dũng cho biết: Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường, người tổng An Cư, huyện Đăng Xương, nay là thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: N.T.H

Ông là đại thần triều Nguyễn, thuộc phe chủ chiến, có tư tưởng yêu nước, chống Pháp. Sau ngày kinh đô Huế thất thủ, Nguyễn Văn Tường ở lại thương lượng với Pháp để ổn định tình hình thì ông bị xem là kẻ đầu hàng thực dân, nhưng cuối cùng vẫn bị Pháp lưu đày ở đảo Tahiti và mất tại đây sau 1 năm bị lưu đày. Nhìn nhận về ông, hậu thế vẫn còn có điều băn khoăn, tranh cãi.

Tại hội thảo chủ đề “Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường - Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, có 12 tham luận gửi đến tập trung vào các nội dung: Vai trò của Nguyễn Văn Tường đối với lịch sử dân tộc từ các mặt về chính trị, quân sự, ngoại giao; Xu hướng “chủ chiến”, “chủ hòa” của Nguyễn Văn Tường; Mối quan hệ của Nguyễn Văn Tường với vua Kiến Phúc và những lý giải xung quanh cái chết của nhà vua; Đánh giá nhân vật Nguyễn Văn Tường qua các góc nhìn; Quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản Nguyễn Văn Tường trên địa bàn...

Hội thảo nhằm đánh giá thật chính xác nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường thông qua các tư liệu lịch sử, đồng thời tôn vinh công trạng và làm nổi bật những dấu mốc quan trọng của Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường đối với lịch sử dân tộc, giáo dục các thế hệ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Bên cạnh đó huy động các nguồn lực từng bước đầu tư tôn tạo, nâng cấp di tích lịch sử Lăng mộ và Đền thờ Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường tại quê hương, thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đánh giá cao huyện Triệu Phong đã chủ động phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Quảng Trị, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo rất ý nghĩa về Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường đúng vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông.

Qua các ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo, có thể khẳng định từ nhiều góc độ khác nhau, với cách nhìn đa chiều, bằng những luận giải khoa học, có giá trị cao, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá khá toàn diện, làm nổi bật, sâu sắc hơn công trạng, thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh, tri ân đối với Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường.

UBND tỉnh ghi nhận và trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự đóng góp ý kiến quý báu của các nhà sử học, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong, ngoài tỉnh và các đại biểu đã dành cho hội thảo lần này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị UBND huyện Triệu Phong chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những kết quả đạt được của hội thảo trong Nhân dân và xã hội, cũng như làm nổi bật dấu mốc lịch sử liên quan đến thân thế, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động và những công lao đóng góp của Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường đối với lịch sử dân tộc.

Qua đó, thể hiện sự tri ân, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Trên cơ sở Nghị quyết số 167/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình nâng cấp, tôn tạo Lăng mộ và Đền thờ Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường trình UBND tỉnh để sớm triển khai thực hiện, tạo thành địa chỉ lưu truyền, giáo dục lòng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, huyện cần lựa chọn một tuyến đường tương xứng ở thị trấn Ái Tử và trường học ở địa phương để đặt tên danh nhân Nguyễn Văn Tường nhằm vinh danh, lan tỏa, bồi đắp thêm truyền thống lịch sử, văn hóa của huyện.

Phối hợp với huyện Cam Lộ gắn kết di tích Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường tại xã Triệu Phước với di tích và Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại huyện Cam Lộ để tạo thành tour du lịch trải nghiệm về “kinh đô” trong buổi đầu kháng Pháp của Nhân dân ta dưới ngọn cờ của chiếu Cần Vương do Vua Hàm Nghi và các đại thần phái chủ chiến nhà Nguyễn khởi xướng vào cuối thế kỷ 19.

Về lâu dài, cần làm tốt việc kết nối các di tích Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong với các di tích thời Nhà Nguyễn trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh để phát huy giá trị các di tích vào việc phát triển KT - XH thông qua thúc đẩy hoạt động du lịch.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 23
Hôm nay: 468
Tổng lượt truy cập: 4.053.285
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!