Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Tư nhân Việt Nam 2025: Giai đoạn hoàng kim của vốn tư nhân
Bất chấp những thách thức của kinh tế toàn cầu, dòng vốn đầu tư tư nhân vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn khá lạc quan, với tổng giá trị gần 2,26 tỷ USD cho 141 thương vụ trong năm 2024.
Giữ vững nền tảng
"Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Tư nhân Việt Nam 2025", công bố tại Diễn đàn Đầu tư Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2025 ngày 22/4 vừa qua, đã mở ra một cái nhìn toàn diện về thị trường vốn tư nhân tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên các khoản đầu tư cổ phần tư nhân (Private Equity - PE) được tổng hợp đầy đủ và đưa ra thảo luận, bên cạnh các khoản đầu tư mạo hiểm (Venture Capital - VC) quen thuộc. Trong khi các quỹ PE thường rót vốn vào những công ty đã trưởng thành, có nền tảng ổn định, ít rủi ro, thì các quỹ VC lại tìm kiếm cơ hội ở các startup còn non trẻ, ở giai đoạn đầu với tiềm năng tăng trưởng mạnh, nhưng cũng đồng nghĩa với rủi ro cao hơn.
Các số liệu đã vẽ nên bức tranh rõ ràng về sự chuyển mình mạnh mẽ của thị trường vốn tư nhân tại Việt Nam. Kể từ năm 2013, thị trường vốn đã trải qua bốn giai đoạn phát triển khác nhau.

Tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2024. Nguồn: Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Tư nhân Việt Nam 2025
Giai đoạn hình thành (2013-2016), Việt Nam bắt đầu thu hút nhà đầu tư, nhưng phần lớn các giao dịch đều thuộc về quỹ PE, hoạt động đầu tư mạo hiểm của các quỹ VC là cực kỳ hạn chế.
Giai đoạn tăng tốc (2017 - 2019) chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả quỹ PE và VC, đặc biệt là sự bùng nổ của vốn mạo hiểm VC đã góp phần lớn vào tổng mức đầu tư kỷ lục 4,8 tỷ USD của thị trường vốn tư nhân.
Giai đoạn biến động do đại dịch COVID (2020-2022) đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường. Mặc dù giai đoạn 2020 và 2022 chứng kiến sự giảm sút rõ rệt, năm 2021 lại lập kỷ lục về đầu tư vào vốn tư nhân tại Việt Nam nhờ thanh khoản dồi dào. Đặc biệt, đầu tư vào mảng VC đạt mức cao nhất lịch sử – 1,4 tỷ USD – được thúc đẩy bởi làn sóng chuyển đổi số và nhu cầu lớn từ các nhà đầu tư đối với các công ty công nghệ tăng trưởng nhanh.
Giai đoạn điều chỉnh (2023-nay), lãi suất cao và bất ổn toàn cầu khiến thị trường Việt Nam gặp nhiều khó khăn, giống như nhiều nước khác. Tổng vốn đầu tư trong năm ngoái chỉ đạt khoảng 2,26 tỷ USD, giảm 35% so với năm trước đó. Tuy vậy, điểm tích cực là số lượng thương vụ vẫn ổn định, với khoảng 141 giao dịch. Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn tin vào triển vọng dài hạn của Việt Nam và tiếp tục rót vốn, bất chấp chu kỳ khó khăn.
Vốn đầu tư PE
Năm 2024, vốn đầu tư PE tại Việt Nam đạt khoảng 1,86 tỷ USD, chiếm 82% tổng số vốn, giảm khoảng 37% so với năm trước đó. Có 23 thương vụ được thực hiện, với giá trị trung bình của mỗi thương vụ vào khoảng 116 triệu USD (~ 3000 tỷ đồng).
Đáng chú ý, hầu hết các thương vụ PE thuộc dạng mua lại toàn bộ doanh nghiệp, cho thấy nhà đầu tư PE đang chú trọng vào các công ty đang bị định giá thấp nhưng vẫn có nền tảng kinh doanh vững và lâu dài. Tuy vậy, họ cũng trở nên thận trọng hơn do bối cảnh kinh tế bất ổn, bằng chứng là dòng vốn đầu tư vào các công ty tăng trưởng bị chững lại.
Một điểm tích cực là năm ngoái, giá trị đầu tư các thương vụ PE quy mô nhỏ đã tăng hơn gấp đôi, lên 20 triệu USD, trong khi các thương vụ PE quy mô trung bình đã tăng gần gấp rưỡi, lên đến 250 triệu USD. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng chi trả một khoản tiền cao hơn cho các công ty đã trưởng thành với nền tảng vững chắc.

Tăng trưởng vốn đầu tư PE tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2024. Nguồn: Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Tư nhân Việt Nam 2025
Trước đây, các nhà đầu tư PE thường rót vốn chủ yếu vào các ngành như tài chính, hàng tiêu dùng không thiết yếu, bất động sản và công nghiệp. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, ngành y tế đã nổi lên như một ‘ngôi sao mới’, vì tiềm năng tăng trưởng dài hạn và ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế.
Mặc dù số lượng nhà đầu tư PE ở Việt Nam vài năm qua có xu hướng giảm, nhưng cơ sở nhà đầu tư vẫn giữ được ổn định. Các nhà đầu tư nội trở nên chiếm ưu thế hơn khi sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại giảm dần. Họ vẫn giữ vững niềm tin vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế và tiếp tục rót vốn bất chấp biến động thị trường. Nói cách khác, dù số lượng nhà đầu tư ít đi, nhưng chất lượng và sự kiên định của những người còn lại trở thành động lực duy trì sự phát triển của thị trường.
Vốn đầu tư VC
Chuyển sang thị trường đầu tư mạo hiểm - trong năm 2024, mặc dù đối mặt với bối cảnh bất ổn toàn cầu và lãi suất cao, thị trường VC tại Việt Nam vẫn ghi nhận tổng vốn đầu tư đạt 398 triệu USD, giảm 25% so với năm trước đó. Có 118 thương vụ được thực hiện, với giá trị trung bình mỗi thương vụ vào khoảng 3,4 triệu USD (~ 88 tỷ đồng).
Điểm thú vị là khi phân tích theo nửa đầu và nửa cuối năm, thì tổng đầu tư trong nửa cuối năm đã gấp ba lần nửa đầu năm. Điều này cho thấy một tín hiệu phục hồi rõ ràng của thị trường VC tại Việt Nam: các nhà đầu tư đang dần lấy lại niềm tin, sẵn sàng rót vốn trở lại vào các startup tiềm năng.
Nguyên nhân chính khiến tổng đầu tư VC giảm chủ yếu là do sụt giảm ở các thương vụ lớn, tức những thương vụ có giá trị trên 50 triệu USD. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm sáng tích cực. Chẳng hạn, số thương vụ nhỏ dưới 0,5 triệu USD tăng mạnh 73%, cho thấy sự sôi động ở giai đoạn đầu của startup, với nhiều ý tưởng mới được rót vốn. Các thương vụ tầm trung (từ 3-10 triệu USD và từ 10-50 triệu USD) vẫn duy trì ổn định. Điều này nghĩa là các startup đã được đầu tư giai đoạn đầu ở những năm trước đang tiếp tục gọi vốn thành công ở các vòng tiếp theo. Nhà đầu tư vẫn sẵn sàng hỗ trợ dài hạn cho những công ty có tiến triển tốt.

Tăng trưởng vốn đầu tư VC tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2024 phân theo nửa năm. Nguồn: Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Tư nhân Việt Nam 2025
Thị trường VC tại Việt Nam năm qua chứng kiến nhiều thay đổi đáng chú ý về ngành đầu tư. Lĩnh vực tự động hóa doanh nghiệp lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu, với quy mô đầu tư tăng gấp năm lần so với năm trước. Đáng chú ý, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo AI trong lĩnh vực này đã tăng tám lần, đạt 80 triệu USD, trong bối cảnh Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp AI hàng đầu Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore.
Công nghệ nông nghiệp cũng bứt phá, thu hút vốn gấp gần chín lần, phản ánh tiến trình số hóa trong chuỗi giá trị nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam. Trong khi đó, đầu tư vào công nghệ xanh tăng gấp đôi, được thúc đẩy bởi các sáng kiến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và các chính sách về năng lượng tái tạo, trung hòa carbon của Việt Nam. Các lĩnh vực này đều hưởng lợi từ ưu đãi của Chính phủ và sự quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư đối với những thay đổi cơ cấu dài hạn.
Đi theo chỉ dẫn của chính sách
Báo cáo đưa ra một chỉ dẫn rõ ràng cho những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội rót vốn là “hãy bắt đầu từ những trụ cột được Chính phủ ưu tiên và đang đầu tư mạnh”, dù đó là kinh tế xanh, kinh tế số/số hóa các lĩnh vực, hay nền kinh tế công nghệ cao. Sự tăng trưởng mạnh mẽ từ các ngành này sẽ tạo ra cơ hội đầu tư ổn định qua nhiều giai đoạn khác nhau của nền kinh tế, bao gồm cả việc chống lại các rào cản thuế quan.
Kinh tế số đang được Việt Nam xác định là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Lĩnh vực này hiện đóng góp khoảng 18,3% vào GDP và được kỳ vọng sẽ tăng lên 30% vào năm 2030. So với mặt bằng chung của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có mức độ ứng dụng công nghệ số cao hơn.
Đặc biệt, việc đầu tư vào các doanh nghiệp dựa trên AI tại Việt Nam cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ, không chỉ thúc đẩy các ngành công nghiệp truyền thống mà còn tạo ra giá trị mới trong các dịch vụ công nghệ và doanh nghiệp dịch vụ. Nhiều nhà đầu tư nhận xét rằng “nhân lực tài năng là một lợi thế tự nhiên của Việt Nam” và là yếu tố mang lại sự lạc quan cho họ. Họ cũng cho rằng Việt Nam đang chuẩn bị bước vào “giai đoạn hoàng kim của vốn tư nhân”.
Để giúp ích cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, báo cáo đã vạch ra 15 lĩnh vực mới nổi có tiềm năng “mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn”. Mỗi lĩnh vực đều được phân tích sâu về bối cảnh thị trường, kỳ vọng tăng trưởng, các chính sách ưu tiên (nếu có), khoảng trống đầu tư, cũng như các quỹ và startup tiêu biểu đang hoạt động có thể cung cấp góc nhìn và hiểu biết địa phương. Báo cáo cũng nêu rõ các yếu tố then chốt để đảm bảo một khoản đầu tư thành công.
Xem báo cáo đầy đủ tại đây./.
https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/cong-nghe-moi-truong-nhung-rao-can-ve-chinh-sach-va-thi-truong/20250417085446222p1c160.htm