Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 02-05-2024

Nghiên cứu hệ thống Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (STI) của một số quốc gia và đề xuất giải pháp cải thiện hệ thống STI của Việt Nam giai đoạn 2021-2030

Chủ trương yêu cầu STI phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sắp tới cũng đã bước đầu thể hiện trong một số văn bản của Đảng và Nhà nước. Về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã nêu quan điểm, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy các thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.

Khoa học công nghệ được coi là một trong các đột phá chiến lược trong đổi mới mô hình tăng trưởng. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/03/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt, đột phá trong chính sách công nghiệp quốc gia nhằm phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu; chú trọng phát triển theo chiều sâu. Khoa học công nghệ góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; giúp tận dụng hiệu quả lợi thế của nước đi sau trong công nghiệp hóa, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để có cách tiếp cận, đi tắt, đón đầu một cách hợp lý trong phát triển các ngành công nghiệp.

Nhấn mạnh vai trò của KH&CN hướng tới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Hướng đến các mục tiêu phát triển đất nước đến 2030, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Theo khung khổ kế hoạch, bên cạnh các mục tiêu, nhiệm vụ về kinh tế, xã hội, nhiệm vụ tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực công nghệ của các ngành công nghiệp; khuyến khích sáng chế phát minh; đến năm 2030 tăng đáng kể tỷ lệ người làm việc trong lĩnh vực NC&TK; tăng đầu tư cho NC&TK được Chính phủ đặt ra. Điều này, hàm chứa sự cần thiết phải xem xét, điều chỉnh hệ thống STI hiện nay của Việt Nam để ngày càng có những đóng góp thiết thực hơn cho phát triển, đồng thời gắn kết được các xu thế chung của quốc tế.

Trước những định hướng và yêu cầu đặt ra trong các văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển STI trong những năm sắp tới, việc tổ chức nghiên cứu để nhận dạng hệ thống và chính sách STI hiện nay của Việt Nam và quốc tế để từ đó đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách là rất cần thiết đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực và chủ động tham gia khung khổ CPTPP với nhiều quy định, ràng buộc mang tính quốc tế, toàn cầu, trong đó có các hoạt động liên quan đến STI nói riêng. Do đó, nhằm phân tích hệ thống STI của một số quốc gia trong khu vực và quốc tế; phân tích thực trạng hệ thống STI của Việt Nam; và đề xuất giải pháp cải thiện hệ thống STI của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, ThS. Cao Thị Thu Anh cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ - Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu hệ thống Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (STI) của một số quốc gia và đề xuất giải pháp cải thiện hệ thống STI của Việt Nam giai đoạn 2021-2030”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:

Hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một thuật ngữ tích hợp khi bàn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của một quốc gia. Thuật ngữ này có nội dung và cách hiểu rất đa dạng, nếu như ở các nước phát triển nhiều khi được hiểu là hệ thống đổi mới (sáng tạo) quốc gia thì ở các nước đang phát triển như Việt Nam, khái niệm hệ thống KH, CN và ĐMST được cho là phù hợp hơn cả để mô tả hệ thống thực tế cũng như định hình và phân tích các thành phần của hệ thống.

Hệ thống STI của Việt Nam đã dần được hình thành, củng cố và phát triển với sự tham gia của nhiều tác nhân trong hệ thống. Nhà nước giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống STI của Việt Nam khi ban hành các chính sách và phân bổ nguồn lực nhằm thúc đẩy sự phát triển các thành tố của hệ thống cũng như mối liên kết giữa các thành tố. Các doanh nghiệp (bên cầu) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống STI của Việt Nam trong khi bên cung (hệ thống nghiên cứu và giáo dục) đang có nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu (về công nghệ và nhân lực) của bên cầu.

Với mục tiêu trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao vào thời gian tới với mô hình phát triển dẫn dắt bởi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hơn nữa bối cảnh dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 (có tác động trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất mà Việt Nam đang có lợi thế) hệ thống STI của Việt Nam cần có những điều chỉnh để đáp ứng mục tiêu đề ra trong bối cảnh mới.

1. Về ưu tiên chính sách

Chính sách về STI nên tập trung vào việc tăng cường áp dụng công nghệ của doanh nghiệp, trước tiên cần chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ hiện có (can thiệp phía cầu) và đổi mới sáng tạo không dựa vào NC&TK, mở rộng phạm vi các doanh nghiệp hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ về STI. Trọng tâm chính của chương trình khuyến khích doanh nghiệp tăng cường áp dụng công nghệ bao gồm: xúc tiến về quản lý; xúc tiến công nghệ; kết nối với các công ty đa quốc gia (MNE) công nghệ cao; chương trình nghiên cứu và phát triển phối hợp với các công ty đa quốc gia (MNE) công nghệ cao; và doanh nghiệp công nghệ giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, trước khi mở rộng bất kỳ chương trình nào, cần có khảo sát nhu cầu hỗ trợ chính sách chưa được đáp ứng trong lĩnh vực đó và xác định rõ những phân khúc đối tượng thụ hưởng tiềm năng nào có khuynh hướng hấp thụ công nghệ để tác động mang lại hiệu quả cao nhất.

2. Tăng cường hệ thống KH, CN và ĐMST tại Việt Nam

Về phía cầu cần tăng cường năng lực doanh nghiệp để đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ mới và lan tỏa các quy trình sản xuất được cải thiện. Các công cụ được cho là hiệu quả bao gồm dịch vụ tư vấn kinh doanh, dịch vụ xúc tiến công nghệ, trung tâm công nghệ và cơ quan chuyển giao công nghệ. Cụ thể, dịch vụ tư vấn kinh doanh tập trung vào tăng cường năng lực hấp thụ để áp dụng công nghệ, còn dịch vụ xúc tiến công nghệ tập trung vào giúp các DNNVV áp dụng công nghệ. Các trung tâm công nghệ hỗ trợ cả về áp dụng và tạo ra công nghệ mới; còn cơ quan chuyển giao 122 công nghệ hỗ trợ hình thành và thương mại hóa công nghệ từ các trường đại học và viện nghiên cứu của nhà nước và có thể nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề thiếu hụt kiến thức trong quá trình thương mại hóa.

Cần tăng cường quyền sở hữu trí tuệ nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Điều này đặc biệt quan trọng với Việt Nam để thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và để khuyến khích các công ty đa quốc gia (MNC) chia sẻ công nghệ của họ với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là DNNVV, cũng như để họ thực hiện NC&TKtại Việt Nam. Sau đây là một số phương án chính sách: cải cách cơ chế về quyền sở hữu trí tuệ hiện nay để thực thi hiệu lực bảo vệ bản quyền sáng chế tốt hơn; và xây dựng hướng dẫn rõ ràng về cáh thức phân chia lợi ích của việc thương mại hóa ý tưởng mới giữa các bên tham gia, từ các trường đại học, các viện nghiên cứu của nhà nước và các nhóm tham mưu chính sách/ các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu/trong nước và nước ngoài.

3. Các yếu tố bổ sung khác

Cần thay đổi về các chương trình giáo dục và đào tạo nhằm cung cấp cho thị trường những lao động cần có kỹ năng mới để tham gia các hoạt động sản xuất phức tạp và có tính chất đổi mới sáng tạo hơn. Những kỹ năng đó bao gồm như sáng tạo, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề, cũng như những kỹ năng kỹ thuật nâng cao, bao gồm kỹ năng sống và làm việc với công nghệ số.

Tăng cường hạ tầng băng thông rộng sẽ tạo điều kiện sử dụng công nghệ mới nhằm thích ứng với các mô hình kinh doanh mới. Khi các quy trình và sản phẩm trở nên phức tạp hơn, các hệ thống hạ tầng chất lượng (QI) nếu được cải thiện có thể tiếp tục mở ra cơ hội cho các ngành sản xuất chế biến định hướng xuất khẩu thông qua chứng nhận các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp bán được hàng ở các thị trường lớn. Hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sẽ là trọng tâm để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19811/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 2949
Tổng lượt truy cập: 2.908.476
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.