Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 20-05-2024

Nghiên cứu mô hình sinh thái khép kín nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành chế biến thủy sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Nghiên cứu về chuỗi giá trị trong chế biến và nuôi trồng thủy sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau do chúng đa dạng, đa cực, phụ thuộc vào quy mô và động lực của ngành. cũng như sự khác nhau giữa cơ sở hạ tầng đặc biệt tại khu vực nông thôn. Các công nghệ chế biến phụ phẩm từ chế biến thủy hải sản đã được nghiên cứu từ rất lâu với các công nghệ và các loại sản phẩm khác nhau, từ sản phẩm đơn giản như bột cá đến các sản phẩm phức tạo như biodiesel hoặc các loại mỹ phẩm. Các chuỗi cung ứng trên thế giới có tác động đến lượng phát thải của các ngành thủy sản, chính vì vậy các nghiên cứu chuỗi cung ứng xanh đã được thực hiện nhằm tác động đến hiệu suất cũng như sự bền vững của chuỗi cung ứng. Các hệ sinh thái khép kín đều được cho rằng là một vòng khép kín hoàn toàn, không cho phép phát sinh các loại chất thải ra bên ngoài. Nhưng trên thực tế điều này là không thể vì có những chất thải không khuyến khích tuần hoàn và không có khả năng tuần hoàn. Các nghiên cứu hiện nay cũng chưa đề cập đến vấn đề tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn cho một chuỗi ngành khép kín, chủ yếu là nghiên cứu thiên về tuần hoàn dòng chất thải nhưng chưa đề cập sâu sắc đến yếu tố kinh tế hay giá trị gia tăng. Ngoài ra, các mô hình nuôi trồng và canh tác thủy sản bền vững đã hình thành trên cơ sở tuần hoàn dòng vật chất như hệ thống RAS, hệ thống tích hợp IMTA, hoặc đơn giản dùng các kỹ thuật sinh thái để xử lý chất ô nhiễm hữu cơ trong nước nhưng đơn thuần chỉ giải quyết được một vấn đề chứ không giải quyết được nhiều vấn đề môi trường cùng lúc như mô hình sinh thái khép kín.

 

Mặc dù có nhiều doanh nghiệp áp dụng quy trình khép kín tại nhà máy với các công nghệ khác nhau nhưng các giải pháp này cũng chỉ hướng đến việc phân tích tiết kiệm năng lượng hoặc tái chế chất thải nên vòng tuần hoàn bị thu hẹp với phạm vi nhỏ và không có khả năng liên kết. Các nghiên cứu về nuôi trồng, chế biến thủy hải sản bền vững trong nước nhìn chung chưa cụ thể; chuỗi ngành chế biến và nuôi trồng thủy sản chưa có sự liên kết chặt chẽ; các mô hình ứng dụng các kỹ thuật về sinh thái khép kín tại Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL còn khá sơ sài, nuôi trồng thủy sản chưa là yếu tố trọng tâm trong khi nuôi trồng và chế biến thủy sản là một trong những ngành hàng chủ lực của ĐBSCL. Chính vì thế, nhằm đánh giá được hiện trạng phát thải, tác động môi trường đồng thời đề xuất và triển khai được mô hình sinh thái hướng đến khép kín dòng vật chất và năng lượng nhằm giảm thiểu tác động môi trường góp phần gia tăng chuỗi giá trị của ngành chế biến thủy sản ở ĐBSCL, TS. Trà Văn Tung và các cộng sự tại Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu mô hình sinh thái khép kín nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành chế biến thủy sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Sau một thời gian thực hiện,Đề tài đã đáp ứng đầy đủ mục tiêu nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm khoa học và công nghệ. Những kết quả của đề tài đã đóng góp được tổng hợp cụ thể như sau:

- Đã thực hiện tổng quan và đánh giá về các nghiên cứu liên quanđến chuỗi giá trị thủy sản, các chỉ số xanh trong đánh giá chuỗi cung ứng, các nghiên cứu về mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản bền vững, các mô hình sinh thái khép kín trên cơ sở tuần hoàn dòng vật chất và năng lượng đã được thực hiện trên thế giới và Việt Nam trong những năm gần đây.

- Đề tài cũng đã mô tả được bức tranh về hiện trạng nuôi trồng, chế biến cùng các công nghiệp phụ trợ của chuỗi ngành thủy sản tại khu vực ĐBSCLvới hai hướng chính là nuôi trồng và chế biến thủy sản nước ngọt và nuôi trồng chế biến thủy sản nước mặn lợ. Bên cạnh đó cũng đánh giá được quy hoạch chiến lược phát triểncủa ngành chế biến thủy sản khu vực ĐBSCL trong những năm gần đây.

- Đánh giá hiện trạng và dự báo các tác động của chuỗi ngành nuôi trồng thủy sản đến môi trường và các yếu tố kinh tế xã hội liên quan trong khu vực. Đồng thời đánh giá hiệu quả của các mô hình xử lý chất thải đối với chuỗi ngành nuôi trồng chế biến thủy sản trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành tại khu vực ĐBSCL.

- Đề xuất được các tiêu chí đánh giá và định hướng mô hình sinh thái khép kín cho chuỗi nuôi trồng và chế biến thủy sản trên quan điểm phát triển bền vững của ngành với đặc thù khu vực ĐBSCL.

- Đề xuất được các nội dung thực tiễn tốt nhất cho vùng nuôi thủy sản, ngành chế biến thủy sản, từ đó định hướng được sự trao đối vật chất và năng lượng ra bên ngoài khi bên trong luôn tốt nhất.

- Đề tài cũng đã thực hiện nghiên cứu và đề xuất được 06 mô hình sinh thái hướng đến cho khu vùng nuôi thủy sản, khép kín các dòng tuần hoàn vật chất cho nhà máy chế biến thủy sản, giữa khu vực nuôi trồng và nhà máy chế biến cùng với các khu dân cư và hệ sinh thái xung quanh. Các mô hình này dựa trên nguyên tắc tuần hoàn hướng đến khép kín nhưng vẫn tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng. Báo cáo tóm tắt Đề tài “Nghiên cứu mô hình sinh thái khép kín nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành chế biến thủy sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”

- Từ những nội dung được đề xuất đã áp dụng triển khai thí điểm thành công 02 mô hình cho hai chuỗi ngành nuôi trồng và chế biến tôm và cá tra. Ngoài hiệu quả sơ bộ về mặt môi trường, kinh tế và xã hội mà mô hình mang lại thì các sản phẩm có khả năng thương mại hóa để gia tăng chuỗi giá trị như: Chitin, dịch đầu tôm thủy phân, dịch cá thủy phân….. cũng đã được triển khai và mang lại hiệu quả.

- Tổ chức được các buổi hội thảo có sự có mặt của các cán bộ 13 tỉnh khu vực ĐBSCL tham dự phổ biến kết quả của đề tài đến các đối tượng liên quan.

- Đề xuất được các chương trình khắc phục các cản trở trong việc ứng dụng mô hình đến các khu vực khác nhau và đặt biệt đánh giá yếu tố biến đổi khí hậu và rủi ro thị trường ảnh hưởng đến nhân rộng và triển khai mô hình.

Những kết quả mang tính mới và nổi bật được của đề tài đã mang lại như là:

Như vậy, đề tài đã xây dựng được phương pháp luận trong hệ thống AZEIS, trong hệ thống này đều là các thành phần đặc trưng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tất cả chúng đều xoay quay ao nuôi thủy sản. Bên cạnh đó vai trò của vườn trong hệ thống được đề cao vì đây là nơi tiếp nhận, hấp thu và chuyển hóa hầu hết các nguồn thải. Từ đó nhấn mạnh vai trò của hệ thống AZEIS với trọng tâm là ao nuôi thủy sản trong xử lý chất thải và mục đích nâng cao chất lượng đất. Đã xây dựng được phương pháp luận để hình thành các giải pháp đề xuất cho mô hình sinh thái khép kín hướng đến tuần hoàn dòng vật chất và năng lượng trong chuỗi nuôi trồng và chế biến thủy sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó cũng đề xuất được các giải pháp chuyển đổi chất thải, xử lý ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng từ đó duy trì và phát triển ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản theo hướng phát triển bền vững.

Lần đầu tại Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng triển khai được các mô hình hướng đến sinh thái khép kín cho hai chuỗi ngành nuôi trồng, chế biến cá tra và tôm, hai sản phẩm chủ lực của khu vực ĐBSCL. Đây là cơ sở phân tích, đánh giá hiệu quả về khả năng triển khai các mô hình hướng đến sinh thái khép kín cho chuỗi ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản nhằm mục đích tạo ra các sản phẩm có giá trị cao từ chất thải. 02 mô hình cho 02 chuỗi sản xuất gồm: chuỗi chế biến thủy sản nước ngọt (cá tra) và chuỗi chế biến thủy sản nước mặn/ lợ (tôm thẻ chân trắng).

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19846/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 87
Hôm nay: 1311
Tổng lượt truy cập: 3.267.564
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.