TCVN ISO 50005:2024 về quản lý hệ thống năng lượng
Hệ thống quản lý năng lượng là một trong những lĩnh vực chú trọng của đất nước do đó các tổ chức nên thiết lập cách tiếp cận tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 50005:2024.
Hệ thống quản lý năng lượng là một công cụ tối ưu giúp tổ chức hiệu quả hóa việc sử dụng năng lượng, giảm lượng phát thải khí nhà kính và tiết kiệm chi phí liên quan đến năng lượng. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Quản lý năng lượng là cụm từ chỉ quá trình liên quan đến việc lập kế hoạch sử dụng, sản xuất và lưu trữ năng lượng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất. Mục tiêu cuối cùng quản lý năng lượng này không chỉ là tiết kiệm chi phí mà còn để đạt được sự bền vững về môi trường.
Do năng lượng là một trong những lĩnh vực chú trọng của đất nước vì vậy các quy định về công suất, mức độ ổn định điện áp, nhiệt lượng phải được duy trì cũng như sử dụng hiệu quả và tiết kiệm. Trên thế giới có nhiều tiêu chuẩn về hệ thống quản lý năng lượng như Tiêu chuẩn châu Âu là EN 16001: 2009, của Mỹ là ANSI/MSE2000:2008...Tại Việt Nam hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 50005:2024 về hệ thống quản lý năng lượng- hướng dẫn áp dụng theo giai đoạn.
Tiêu chuẩn này đưa ra hướng dẫn cho các tổ chức trong việc thiết lập cách tiếp cận theo giai đoạn để áp dụng hệ thống quản lý năng lượng (EnMS). Cách tiếp cận theo giai đoạn này nhằm hỗ trợ và đơn giản hóa việc áp dụng EnMS cho tất cả mọi loại hình tổ chức, đặc biệt là cho các tổ chức có quy mô vừa và nhỏ (SMO).

Hệ thống quản lý năng lượng nên tuân thủ theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa
Tiêu chuẩn cũng hướng dẫn việc sử dụng mười hai yếu tố cốt lõi, với bốn mức độ phát triển cho từng yếu tố để thiết lập, thực hiện, duy trì và cải tiến EnMS mang lại cải tiến trong kết quả thực hiện năng lượng.
Điều này cho phép người sử dụng tiêu chuẩn có thể áp dụng cách tiếp cận theo giai đoạn để đạt được một mức độ quản lý năng lượng thích hợp với mục tiêu của mình và xây dựng nền tảng vững chắc để sau đó có thể mở rộng hướng đến đáp ứng yêu cầu của TCVN ISO 50001:2019 (ISO 50001:2018). Tiêu chuẩn này nhất quán với TCVN ISO 50001:2019 (ISO 50001:2018) nhưng không bao quát toàn bộ yêu cầu của TCVN ISO 50001:2019 (ISO 50001:2018).
Để nhận thức bối cảnh của mình, tổ chức cần xác định các vấn đề bên ngoài và nội bộ như nguồn lực, năng lực của nhân sự và các dạng năng lượng; nhu cầu và mong đợi của các bên quan tâm, như yêu cầu pháp lý và các thỏa thuận với nhà cung ứng. Điều quan trọng là lãnh đạo cao nhất cần chứng tỏ sự lãnh đạo và cam kết của mình đối với việc cải tiến liên tục kết quả thực hiện năng lượng và hiệu lực của EnMS. Lãnh đạo cao nhất cần phân công trách nhiệm cho ít nhất một người để dẫn dắt việc thực hiện EnMS.
Trách nhiệm và quyền hạn của EnMT cần được lãnh đạo cao nhất thiết lập rõ ràng. Điều này có thể được tạo điều kiện tốt nhất khi lãnh đạo cao nhất hỗ trợ phân bổ nguồn lực trong tổ chức cho việc thành lập EnMT.
Lãnh đạo cao nhất cần đảm bảo sẵn có các nguồn lực cần thiết cho EnMS. Nếu không việc áp dụng có thể thất bại. Việc xem xét năng lượng được cập nhật theo các khoảng thời gian xác định cũng như đáp ứng các thay đổi lớn về cơ sở vật chất, thiết bị, hệ thống hoặc quá trình sử dụng năng lượng.
Việc ghi nhận thường xuyên dữ liệu tiêu thụ năng lượng (ví dụ hàng tháng) và phân tích dữ liệu này, ví dụ trong bảng tính kế toán, có thể hữu ích trong việc nhận biết các xu hướng năng lượng. Tối ưu hóa việc hoạch định, thực hiện và kiểm soát các quá trình O&M liên quan đến các SEU có thể mang lại cải tiến trong kết quả thực hiện năng lượng.
Tiêu chuẩn này cũng yêu cầu các tổ chức cần tiếp thu các cải tiến vận hành được đề xuất và tìm cách thử nghiệm và kết hợp các cải tiến làm gia tăng giá trị, cho dù việc cải tiến đó là một thay đổi trong thực hành công việc, cải tiến nhỏ về quá trình hay là việc nâng cấp thiết bị chính.
Việc theo dõi và đo lường cung cấp thông tin để xác định hiệu lực của các hoạt động quản lý năng lượng, các kế hoạch hành động có đang được thực hiện hay không và khi nào cần hành động khắc phục. Ít nhất hằng năm, lãnh đạo cao nhất cần xác định xem EnMS có hiệu lực hay không, các kết quả dự kiến có đạt được hay không, có cần những thay đổi đối với với EnMS hay không và có cần thực hiện việc phân bổ nguồn lực hay không. Bước đầu tiên có thể là xem xét bằng hình thức xem xét của lãnh đạo hằng năm. Theo cách này, có thể kiểm tra hiệu lực liên tục của EnMS.
Việc tiến hành đánh giá nội bộ trước khi xem xét của lãnh đạo rất quan trọng để xác định liệu có chỗ cho việc cải tiến hay không và xác định xem EnMS có vận hành không.
https://vietq.vn/tcvn-iso-500052024-ve-quan-ly-he-thong-nang-luong-d232407.html