Ban hành Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam, phiên bản 4.0
Ngày 25/3/2025, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long đã ký ban hành Quyết định số 292/QĐ-BKHCN về việc Ban hành Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam, phiên bản 4.0. Khung Kiến trúc Chính phủ số Việt Nam được ban hành với mục đích Hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Khung kiến trúc số cấp bộ, Khung kiến trúc số cấp tỉnh; hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.

Sơ đồ khái quát Khung kiến trúc chính phủ số Việt Nam
Các nội dung cơ bản trong Khung kiến trúc số cấp bộ, Khung kiến trúc số cấp tỉnh
Khung kiến trúc số cấp bộ, Khung kiến trúc số cấp tỉnh bao gồm các nội dung chính sau:
a) Tầm nhìn: Xác định vị trí, vai trò của Khung kiến trúc số trong triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương.
b) Mục tiêu: Xác định các mục tiêu cụ thể của Khung kiến trúc số theo giai đoạn.
c) Phạm vi áp dụng: Xác định các đối tượng tuân thủ, áp dụng Khung kiến trúc số.
d) Nguyên tắc: Xác định các nguyên tắc cốt lõi phải tuân thủ khi xây dựng các nội dung Khung kiến trúc số.
đ) Hạng mục Khung kiến trúc hiện trạng: Mô tả, đánh giá hiện trạng của các kiến trúc thành phần về dữ liệu, nghiệp vụ, ứng dụng, công nghệ, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng tại thời điểm xây dựng Khung kiến trúc số.
e) Hạng mục Khung kiến trúc mục tiêu: Mô tả các kiến trúc thành phần về dữ liệu, nghiệp vụ, ứng dụng, công nghệ, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng mà cơ quan, tổ chức cần đạt được.
Với mỗi hạng mục Khung kiến trúc hiện trạng, Khung kiến trúc mục tiêu bao gồm các kiến trúc thành phần sau:
- Kiến trúc nghiệp vụ: Liệt kê và mô tả danh mục hoạt động nghiệp vụ và mô tả khái quát các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ.
- Kiến trúc dữ liệu: Liệt kê và mô tả khái quát danh mục dữ liệu của các đối tượng quản lý; tổ chức các cơ sở dữ liệu dùng chung, mô hình dữ liệu mức khái niệm đối với dữ liệu trong phạm vi quản lý.
- Kiến trúc ứng dụng: Liệt kê và mô tả danh mục ứng dụng, dịch vụ ứng dụng của cơ quan, tổ chức; sơ đồ tích hợp ứng dụng trong nội bộ cơ quan, tổ chức và với bên ngoài.
- Kiến trúc công nghệ: Mô tả khái quát hạ tầng mạng, hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin để triển khai các ứng dụng, dịch vụ ứng dụng, cơ sở dữ liệu.
- Kiến trúc an toàn thông tin mạng, an ninh mạng: Mô tả các phương án, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
g) Tổ chức triển khai: Quy định các nội dung cần thực hiện để chuyển đổi từ khung kiến trúc hiện trạng thành khung kiến trúc mục tiêu của Khung kiến trúc số cấp bộ, Khung kiến trúc số cấp tỉnh.
Nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Khung kiến trúc số
Trong quá trình triển khai các nội dung của khung kiến trúc số, các bộ, ngành, địa phương phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:
a) Phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam và các văn bản hướng dẫn liên quan.
b) Phù hợp với định hướng, mục tiêu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số của quốc gia.
c) Phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các bộ, ngành, địa phương.
d) Bảo đảm việc đầu tư triển khai Chính phủ số hiệu quả.
đ) Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”.
e) Nền tảng là giải pháp đột phá. Xây dựng và dùng chung các nền tảng số quốc gia, vùng, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông của các ngành, lĩnh vực trên môi trường số.
Kết hợp mô hình triển khai tập trung và phân tán, tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam và Khung kiến trúc số cấp bộ, Khung kiến trúc số cấp tỉnh của các bộ, ngành, địa phương. Phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng tại mọi nơi. Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung.
g) Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số. Áp dụng hiệu quả các công nghệ số mới; sử dụng, ứng dụng hiệu quả công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện đại khác theo lộ trình phù hợp.
h) Triển khai các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng ở các thành phần của khung kiến trúc mục tiêu theo nhu cầu và lộ trình phù hợp.
i) Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng, quy định kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số của quốc gia, chuyên ngành.
k) Dữ liệu là tài nguyên mới; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu các cấp, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
l) Phát triển dữ liệu số tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao để phát triển các dịch vụ đổi mới sáng tạo.
Định kỳ hàng năm, Bộ Khoa học và Coogn nghệ báo cáo tình hình xây dựng, áp dụng, cập nhật Khung kiến trúc số cấp bộ, Khung kiến trúc số cấp tỉnh; kịp thời đề xuất điều chỉnh, cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam phù hợp với nhu cầu thực tế.
Nguyễn Thị Hòa