Triển khai cao điểm 20 ngày đêm hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Ngày 20/2/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ký ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND Kế hoạch Triển khai cao điểm 20 ngày đêm hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (Kế hoạch). Theo đó, 100% dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh được số hóa trong thời gian từ ngày 01/3/2025 đến ngày 20/3/2025.

Ảnh minh họa
Kế hoạch được ban hành nhằm mục đích huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, quyết tâm số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ về số hóa dữ liệu hộ tịch, xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến và Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP.
Góp phần tạo lập dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, bảo đảm triển khai áp dụng thống nhất, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch, đồng bộ các thông tin cơ bản của cá nhân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Theo đó, để số hóa 100% dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian trên, Kế hoạch đã đề ra lộ trình cụ thể trong việc thực hiện từng nội dung cụ thể như sau:
1. Thu thập và phân loại các Sổ hộ tịch cần số hóa (trừ những Sổ hộ tịch đã được số hóa ở giai đoạn 1)
Thực hiện việc thu thập, rà soát, thống kê, phân loại các Sổ hộ tịch cần số hóa theo từng năm.
- Đơn vị chủ trì, thực hiện: Phòng Tư pháp; Uỷ ban nhân dân cấp xã.
- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước ngày 25/02/2025.
2. Scan sổ hộ tịch và đặt tên file dữ liệu theo từng sổ, từng năm
Quy trình số hóa dữ liệu hộ tịch thực hiện theo tài liệu kỹ thuật do Bộ Tư pháp hướng dẫn, trong đó thực hiện scan hoặc chụp các Sổ hộ tịch gốc đã được thu thập và phân loại, bảo đảm mỗi trường hợp đã được đăng ký trong sổ hộ tịch gốc phải được scan hoặc chụp thành 01 file pdf riêng (lưu, đặt tên theo quy tắc dễ tìm), có dung lượng không quá 100Kb, bảo đảm đủ chất lượng để có thể nhìn rõ các thông tin bằng mắt thường. Các file pdf này được dùng để tạo liên kết với các dữ liệu hộ tịch tương ứng trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nhằm phục vụ công tác lưu trữ dữ liệu cũng như để đối chiếu, rà soát và xác thực thông tin khi cần thiết.
- Đơn vị chủ trì, thực hiện: Phòng Tư pháp; Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước ngày 20/3/2025.
3. Số hóa Sổ hộ tịch trên phần mềm hộ tịch lịch sử của Bộ Tư pháp (hoticlichsu.moj.gov.vn)
Nhập toàn bộ dữ liệu hộ tịch đã được đăng ký trong các Sổ hộ tịch gốc được lưu giữ tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh vào phần mềm hộ tịch lịch sử (trừ những Sổ hộ tịch đã được số hóa ở giai đoạn 1).
- Đơn vị chủ trì, thực hiện: Phòng Tư pháp; Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước ngày 20/3/2025 (Thực hiện song song với việc scan Sổ hộ tịch tại điểm 2).
4. Đính kèm file scan, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung dữ liệu trên phần mềm hộ tịch lịch sử của Bộ Tư pháp
Thực hiện trên cơ sở hướng dẫn tại Công văn số 1437/BTP-CNTT ngày 25/4/2019 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn số hóa Sổ hộ tịch, Công văn số 737/HTQTCT-HT ngày 28/6/2024 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp về việc chuyển dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
- Đơn vị chủ trì, thực hiện: Phòng Tư pháp; Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước ngày 20/3/2025.
Việc hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người dân cũng như công tác quản lý nhà nước về hộ tịch. Kết quả này tạo bước ngoặt trong công tác bảo quản hồ sơ, dữ liệu hộ tịch, tiết kiệm không gian, chi phí, nguồn nhân lực, đồng thời giúp cho việc truy xuất dữ liệu bảo đảm dễ dàng, nhanh chóng khi giải quyết các thủ tục hành chính. Hơn nữa, điều này góp phần quan trọng trong việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử.
Nguyễn Thị Hòa