Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Ngày KHCN Việt Nam 18-5

Ngày đăng: 16-05-2024

Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam Việt Nam 18/5 và Kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ

Sáng 15/5/2024 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ long trọng tổ chức Lễ chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 và Kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959- 2024). Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KHCN, giáo dục và đào tạo, các nhà khoa học.

Quang cảnh Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam Việt Nam 18/5 và Kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ KH&CN, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 04/3/1959 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 18/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật KH&CN được thông qua, quy định ngày 18/5 hàng năm là ngày KH&CN Việt Nam.

Trong dòng chảy 65 năm, các thành tựu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đã để lại những dấu ấn lịch sử trong nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của KHCN&ĐMST luôn được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội của Đảng như: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Văn kiện Đại hội XII, XIII… khẳng định “KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu”; “KHCN&ĐMST là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững".

Thông qua hệ thống pháp luật về KH&CN toàn diện và đồng bộ với 8 đạo luật chuyên ngành, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển KH&CN đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở và tiền đề cho những đổi mới và cải cách về quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN, đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt, đã từng bước đơn giản hóa về thủ tục thực hiện nhiệm vụ KH&CN; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm liêm chính học thuật; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; tăng cường hậu kiểm; tạo môi trường học thuật tiên tiến và thí điểm chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN.

Đầu tư cho KH&CN, nhất là đầu tư của doanh nghiệp đánh dấu sự chuyển dịch quan trọng theo hướng xã hội hoá. Trước đây chủ yếu chi từ ngân sách nhà nước thì nay tỷ trọng đã gần ngang bằng nhau (52% và 48%). Công tác quản lý nhà nước về hoạt động KHCN&ĐMST; phát triển tiềm lực KH&CN; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, dù với tên gọi nào, Bộ KH&CN luôn được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định và triển khai các chính sách phát triển khoa học kỹ thuật và hiện nay là KHCN&ĐMST. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã dẫn nội dung hiến pháp năm 2013: "Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 đã trở thành ngày hội của lực lượng KHCN&ĐMST của cả nước. Nhiều Bộ, ngành, địa phương chọn Ngày KH&CN Việt Nam để vinh danh, trao các giải thưởng cho các nhà khoa học, các cán bộ quản lý khoa học và đông đảo người dân yêu khoa học, nghiên cứu. Nhiều viện, trường, doanh nghiệp tổ chức triển lãm kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến của sinh viên, học sinh, người lao động; mở cửa các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu cho học sinh, sinh viên và người dân tham quan, tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Các hoạt động phong phú, thiết thực chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc buổi lễ

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST, Bộ KH&CN sẽ tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó, động viên đội ngũ cán bộ KH&CN kiên trì theo đuổi niềm đam mê khoa học và khát vọng phát triển, vượt lên mọi khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả khoa học công nghệ thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ngày KHCN Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024). Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của ngành KHCN Việt Nam, cùng tri ân sự nỗ lực cống hiến không mệt mỏi của biết bao thế hệ nhà khoa học, cán bộ quản lý, đóng góp quan trọng, thiết thực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.

Thủ tướng nhấn mạnh, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành KHCN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nền KHCN của đất nước vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của KHCN&ĐMST còn chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là với khoa học xã hội và nhân văn. Cơ chế, chính sách quản lý KHCN còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động KHCN; chưa có đột phát trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng; trong khi đó cạnh tranh thu hút nhân tài KHCN đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới. Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KHCN&ĐMST chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Thủ tướng cho rằng, KHCN&ĐMST chính là một yếu tố nền tảng của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - hai trong các yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt quan trọng đối với nước ta hiện nay. KHCN&ĐMST là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu. Phát triển KHCN&ĐMST với vai trò nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu khách quan, lựa chọn khôn ngoan và cần có ưu tiên về nguồn lực. Vì vậy, Thủ tướng mong rằng, tinh thần say mê nghiên cứu, dấn thân vì KHCN của các thế hệ đi trước tiếp tục được lan tỏa, phát huy mạnh mẽ, tạo động lực, truyền cảm hứng trong thế hệ trẻ, nhất là đội ngũ nhà khoa học hôm nay và tương lai, trong đó có các nhà khoa học nữ. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, trở nên ngày càng khan hiếm, thì KHCN&ĐMST là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất, những con người bình dị nhất, không phân biệt giới tính, màu da, trình độ, tuổi tác, tầng lớp trong xã hội.

Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, cần phát huy hơn nữa vai trò của KHCN&ĐMST trên tất cả các lĩnh vực, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương, với phương châm "hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh", trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20-NQ/TW Trung ương khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trước mắt tập trung vào 3 nội dung: Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển bao trùm, toàn diện; đầu tư thích đáng về hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn.

Thứ hai, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho KHCN&ĐMST; phát triển mạnh nhân lực KH&CN, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực KH&CN. Tập trung phát triển mạnh thị trường KH&CN để góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho KH&CN về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực, trong đó có các chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, nhất là nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học đang hoạt động trong điều kiện khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Thứ tư, đối với các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN&ĐMST là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân...

Thứ năm, có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng (như: Tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam...) để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với KH&CN tiên tiến, hội nhập thế giới.

Thứ sáu, đối với các nhà khoa học, Thủ tướng đề nghị cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các nhà khoa học cần nhận thức trọng trách lớn lao đối với đất nước, dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương cống hiến của các nhà khoa học đối với vận mệnh quốc gia.

Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra: (1) Triển lãm Con đường 65 năm đổi mới; Triển lãm Sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; 10 năm Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Gian trưng bày thành tựu KHCN&ĐMST; (2) Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024; (3) Lễ trao Giải thưởng Báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2023; (4) Hội nghị các nhà khoa học trẻ và (5) Lễ trao giải Cuộc thi sáng kiến khoa học năm 2024.

Trong khuôn khổ sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã tham quan triển lãm giới thiệu những thành tựu KH&CN tiêu biểu trong 65 năm qua và khu vực trưng bày một số kết quả nghiên cứu, sản phẩm nổi bật trong lĩnh vực KH&CN.

Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia Trần Đắc Hiến giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính về Triển lãm Con đường 65 năm đổi mới và Triển lãm Sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 1957
Tổng lượt truy cập: 3.943.110
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!