Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin hoạt động Sở

Ngày đăng: 10-06-2021

Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu các dự án thuộc Chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 – 2025, thực hiện năm 2021

Dự án “Ứng dụng vi sinh vật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ tại thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh”  do hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Vương thực hiện. Mô hình nuôi 2000 con gà ri lai vàng rơm, 1000 con gà sao, 1000 vịt Grimaud, 1000 vịt trời với phương thức nuôi bán chăn thả, 100 con heo siêu nạc. Gia cầm được nuôi trong chuồng, xung quanh có rào che chắn hoặc vây lưới. Dự án đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN như: Nuôi gà ri lai vàng rơm theo hướng an toàn sinh học; tiếp nhận công nghệ về quy trình nuôi ruồi lính đen trong vi sinh hỗn hợp chất lỏng; nhân giống vi sinh vật, ủ chế phẩm từ các phế phụ phẩm như cá, nội tạng động vật, ruồi lính đen; sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi…Thức ăn sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu từ đậu tương, cám gạo, bột ngô, rau xanh, đạm ruồi lính đen, men vi sinh,…Dự tính gia cầm xuất bán đạt từ 1,3 – 3.4kg/con, heo siêu nạc đạt trung bình 115kg/con.
 

Description: http://www.dostquangtri.gov.vn/Upload/Images/20210610-06061946.jpg

Mô hình nuôi ruồi lính đen của Dự án “Ứng dụng vi sinh vật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ tại thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh”
Description: http://www.dostquangtri.gov.vn/Upload/Images/20210610-06064147.jpg

Gà sao phát triển tốt ở trang trại hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Vương tại Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh


Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá dìa trên lồng bè nước lợ qua 2 giai đoạn” do hộ gia đình ông Nguyễn Hoàng Vân triển khai nuôi lồng trên sông Hiếu, tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Cá dìa nuôi trong 10 lồng, mỗi lồng thả 3000 con, có nhà điều hành nổi trên bè, kích thước mỗi lồng 5.5m x 5,5m, lưới sâu 2.5m. Địa điểm triển khai dự án cách cảng Cửa Việt 4km, độ sâu 6-9m, nguồn nước sạch, tốc độ dòng chảy vừa phải nên tránh được ô nhiễm. Cá dìa là loài được nuôi từ con giống tự nhiên thu gom bằng phương pháp thủ công nên giá thương phẩm cao, ổn định quanh năm. Hiện tại, đã có đầu mối ở tỉnh Thừa Thiên Huế bao tiêu đầu ra với số lượng lớn và quanh năm. Dự kiến sau 10 tháng nuôi qua 2 giai đoạn (giai đoạn 1: ươm và chăm sóc con giống, giai đoạn 2: nuôi vỗ) đạt trọng lượng từ 150-200g có thể xuất bán.
 

Description: http://www.dostquangtri.gov.vn/Upload/Images/20210610-06065818.jpg

Nuôi cá dìa trong lồng bè trên sông Hiếu tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong


Dự án “Ứng dụng KH&CN chiết tách các đơn chất tinh dầu trong sản xuất mỹ phẩm” triển khai tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ do Hợp tác xã dược liệu Trường Sơn thực hiện. Dự án sử dụng hệ thống phân đoạn tinh dầu sử dụng nguyên lý nhiệt độ sôi của các đơn chất và gia nhiệt theo đúng nhiệt độ đó để chiết các chất mong muốn, loại bỏ tạp chất; ứng dụng công nghệ chưng cất giảm áp chân không, đây là công nghệ khá ưu việt để giảm nhiệt độ sôi cũng như giảm chi phí vận hành. Đến nay, dự án đang thử nghiệm phân đoạn 2000kg tinh dầu tràm gió, 2000kg tinh dầu sả chanh đạt chất lượng cao.
 

Description: http://www.dostquangtri.gov.vn/Upload/Images/20210610-06064692.jpg

Hệ thống chiết tách các đơn chất tinh dầu trong sản xuất mỹ phẩm của Hợp tác xã dược liệu Trường Sơn


Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá chình và cá lóc trong bể xi măng có mai che” triển khai tại phường Đông Lương, Tp. Đông Hà do Công ty TNHH HK Farm thực hiện. Cá lóc và cá chình nuôi trong điều kiện bể xi măng với tổng diện tích 352m2 (4 bể), 1 hệ thống ươm cá con diện tích 80m2 (8 bể), 1 hệ thống lọc nước gồm 2 bể diện tích 3.75m2 và 4m2, 1 hồ tự nhiên diện tích gần 1200m2 nuôi cá trê và cá rô phi cung cấp thức ăn cho cá chình thương phẩm. Đơn vị thực hiện nghiêm túc các khâu từ xử lý các bể, chọn giống, nuôi dưỡng, xử lý phòng bệnh, khẩu phần ăn,…Với 2 vạn cá lóc nuôi trong 2 bể xi măng, thời gian thu hoạch sau 6 tháng, trọng lượng ước tính 0.8kg/con. 1300 con cá chình đang phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, dự kiến thu hoạch sau 14 tháng.
 

Description: http://www.dostquangtri.gov.vn/Upload/Images/20210610-06065449.jpg

Mô hình nuôi cá chình và cá lóc trong bể xi măng có mái che


Dự án “Ứng dụng KH&CN trong chăn nuôi dê Boer thâm canh theo hướng hữu cơ” do hộ chăn nuôi ông Lê Văn Thành thực hiện trên địa bàn thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. Hệ thống chuồng trại xây dựng trên diện tích 0.3 ha, sàn chuồng đóng bằng thanh tròn lỏi gỗ, thuận lợi cho thu gom phân dê, trồng cỏ phục vụ thức ăn cho dê diện tích 1 ha. 300 con dê Boer nuôi tại trang trại có nguồn gốc từ Thái Lan, thức ăn sử dụng bao gồm cám tổng hợp và thức ăn thô đã được ủ lên men theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu (cây bắp sinh khối). Dự án đã ứng dụng hệ thống cảm biến nhiệt độ, hệ thống quạt mát, hệ thống phun sương trên mái, hệ thống đèn sưởi ấm, hệ thống đèn màu thắp sáng cho dê ăn ban đêm, đá liếm muối khoáng. Giống dê đực được chọn từ 15-20kg nuôi vỗ béo, sau 100 ngày xuất chuồng trọng lượng đạt trung bình 40kg/con. Phân dê được thu gom, xử lý để bón lại cho cây trồng.

Qua thực tế các mô hình của các dự án, Hội đồng đã động viên, khuyến khích, đánh giá cao sự mạnh dạn đầu tư, quá trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào chọn giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, hệ thống chuồng trại,… Các dự án triển khai nhìn chung có triển vọng, nhiều mô hình thực hiện theo hướng hữu cơ, sản phẩm an toàn đối với người dùng, lợi nhuận tương đối cao, tạo được việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên cần có sự so sánh, đối chứng cụ thể giữa các cách nuôi khác nhau, phối trộn thức ăn theo các công thức khác nhau, khâu phòng trừ dịch bệnh,… để hoàn thiện và chọn ra quy trình ưu việt; đồng thời lưu ý đầu ra sản phẩm cần có sự liên kết với các doanh nghiệp để có thị trường ổn định, lâu dài. Hội đồng sẽ có phiên họp chính thức, từ đó quyết định mức hỗ trợ tương ứng với các dự án.

Sỹ Tiến

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 310
Tổng lượt truy cập: 4.023.840
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!