Thẩm định thuyết minh đề tài KH&CN cấp tỉnh: "Nghiên cứu phát triển công nghệ biofloc dựa trên nguồn vi sinh bản địa, nhằm tăng tính hiệu quả và bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Quảng Trị"
Hiện nay, cùng với sự phát triển của vùng nuôi tôm, nước thải vùng nuôi tôm chưa được xử lý và lượng thải vào môi trường ngày càng nhiều khi các địa phương tăng diện tích nuôi và mức độ thâm canh. Nuôi vi sinh-biofloc với các chủng vi sinh vật bản địa là chìa khoá để giải quyết vấn đề. Một trong những yêu cầu về phát triển công nghệ vi sinh là khả năng ứng dụng các vi sinh vật tại chỗ để tăng hiệu quả và tránh có những tác động tiêu cực về môi trường và phát triển bền vững vì vi sinh vật bản địa thích nghi với điều kiện môi trường, khí hậu, hiệu quả xử lí cao hơn và giúp tiết kiệm chi phí. Đề tài hướng đến mục tiêu đánh giá được tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bằng công nghệ vi sinh, công nghệ biofloc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị làm cơ sở đề xuất phát triển mô hình. Phân lập, tuyển chọn và định danh được các nhóm Vi sinh vật hữu ích cho nuôi tôm thẻ chân trắng dựa trên các đặc điểm có khả năng phân giải chất hữu cơ, chuyển hoá nitơ, tạo floc, làm nguồn thức ăn và đối kháng vi khuẩn gây bệnh từ vùng nuôi tôm của tỉnh Quảng Trị. Sản xuất sinh khối các sinh vật hữu ích được chọn lọc phục vụ việc nuôi tôm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm quy mô trang trại. Nghiên cứu ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ.
Đơn vị chủ trì báo cáo trước hội đồng
Tại Hội đồng, đơn vị thực hiện đề tài đã trình bày các nội dung và sản phẩm dự kiến đạt được. Đề tài sẽ triển khai khảo sát đánh giá tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bằng công nghệ vi sinh, công nghệ biofloc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Nghiên cứu phân lập, sàng lọc đánh giá khả năng phân giải chất hữu cơ, chuyển hoá nitơ, tạo floc, làm nguồn thức ăn và đối kháng vi khuẩn gây bệnh từ vùng nuôi tôm của tỉnh Quảng Trị. Nghiên cứu sản xuất sinh khối các vi sinh vật bản địa chọn lọc cho nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ biofloc quy mô phòng thí nghiệm. Đầu tư xây dựng các mô hình thử nghiệm ứng dụng vi sinh vật bản địa chọn lọc cho nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ biofloc ở các trại nuôi thí điểm tại Quảng Trị để hoàn thiện quy trình kỹ thuật.
Kết quả dự kiến các sản phẩm của đề tài gồm: Dữ liệu nhóm vi sinh vật bản địa có khả năng phân giải chất hữu cơ; chuyển hoá nitơ; tạo floc, làm nguồn thức ăn; đối kháng vi khuẩn gây bệnh( tối thiểu 1 loài/chủng cho 1 nhóm vi sinh vật hữu ích). Lưu giữ nguồn giống của các nhóm vi sinh vật bản địa có khả năng nêu trên. Sinh khối các vi sinh vật hữu ích bản địa ứng dụng cho thử nghiệm nuôi tôm trong phòng thí nghiệm và ở trại tôm gồm 2000 lít sinh khối vi sinh vật làm thức ăn bổ sung, 20 kg/lít cho 1 nhóm vi sinh vật hữu ích. 01 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ biofloc sử dụng vi sinh vật bản địa trên địa bàn tỉnh. Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ biofloc sử dụng vi sinh vật bản địa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ biofloc sử dụng vi sinh vật bản địa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Các thành viên Hội đồng đã góp ý và đề nghị Chủ nhiệm, đơn vị chủ trì thực hiện bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện các nội dung của bản Thuyết minh đề tài theo những góp ý của các thành viên. Hội đồng nhất trí cao việc triển khai thực hiện đề tài./.
Hải Yến