Nghiệm thu dự án KH&CN cấp tỉnh: “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm”
Ngày 31/5/2024, Hội đồng tư vấn do ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chủ trì đã tiến hành nghiệm thu dự án KH&CN cấp tỉnh:“Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Dự án do Ths. Phan Văn Phương làm chủ nhiệm, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị chủ trì.
Hội đồng KH&CN do ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra thực địa mô hình tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị
Trước Hội đồng, đơn vị thực hiện đã báo cáo các nội dung và kết quả đạt được của dự án. Sau khi khảo sát, đơn vị thực hiện quyết định chọn hộ anh Võ Chí Thắng ở thôn Thuận Đầu, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị để thực hiện mô hình. Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm nuôi cá chim vây vàng thâm canh trong ao theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm với quy mô 2.000m2, mật độ thả 3 con/m2. Kích cỡ cá giống 6,2 cm. Tỉ lệ sống > 90%. Kích cỡ thu hoạch 0,5 kg/con, sau thời gian nuôi 5 tháng 20 ngày và sản lượng đạt 2,9 tấn.
Hộ anh Võ Chí Thắng ở thôn Thuận Đầu, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được chọn triển khai mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGap
Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGap áp dụng cho khu vực tỉnh Quảng Trị, phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương. Sản phẩm được chứng nhận một số yêu cầu về VietGap. Cá chim vây vàng sau 5 tháng 20 ngày nuôi đạt khối lượng >= 0,5 kg/con, thịt cá đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (theo QCVN 8-2:2011/BYT, QCVN8-3:2012/BYT, văn bản hợp nhất 08/VBHN-BNNPTNT).
Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Nghiệm thu dự án KH&CN cấp tỉnh: “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm”
Về thị trường tiêu thụ sản phẩm: Giá bán trung bình của cá chim vây vàng thương phẩm trong đầu năm 2023 là 140.000 đồng/kg qua thương lái thu mua. Đây là điều kiện để phát triển vùng nuôi tập trung để nâng cao giá trị kinh tế, tăng năng suất, sản lượng cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là với đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như cá chim vây vàng.
Với việc áp dụng quy trình nuôi theo hướng VietGAP giúp người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản bền vững từ những lợi ích thiết thực như: giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động; giảm dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường; tăng tỉ lệ sống của cá; thời gian nuôi ngắn hơn và chất lượng sản phẩm cao hơn, dễ tiêu thụ hơn... Đồng thời, thị trường tiêu thụ sản phẩm cá chim vây vàng thương phẩm có tiềm năng trong tỉnh và tại các tỉnh thành khác, cùng giá cả thị trường ổn định là cơ sở để xây dựng thành công mô hình thử nghiệm, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người dân.
Tại phiên họp, Hội đồng đã góp ý và đề nghị Chủ nhiệm, đơn vị chủ trì thực hiện bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện các nội dung của bản báo cáo theo những góp ý của các thành viên. Hội đồng thống nhất nghiêm thu đề tài xếp loại: Khá./.