Thẩm định nội dung đề tài KH&CN cấp tỉnh: “Phân lập, tuyển chọn các chủng vi sinh vật thuộc chi Rhodobacter sp. bản địa (vi khuẩn tía quang hợp) có khả năng xử lý sulfide (H2S), các hợp chất hữu cơ trong ao nuôi thủy sản”
Ngày 13/8/2024, Hội đồng tư vấn thẩm định nội dung đề tài KH&CN cấp tỉnh do ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chủ trì đã tiến hành thẩm định thuyết minh đề tài: “Phân lập, tuyển chọn các chủng vi sinh vật thuộc chi Rhodobacter sp. bản địa (vi khuẩn tía quang hợp) có khả năng xử lý sulfide (H2S), các hợp chất hữu cơ trong ao nuôi thủy sản”. Đề tài do bà Lê Thị Kim Chi là chủ nhiệm, Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao Công nghệ và Đổi mới sáng tạo chủ trì thực hiện. Thời gian thực hiện: 18 tháng (Từ tháng 10/2024 đến tháng 4/2026).
Ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp
Vi sinh bản địa là thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ những chủng vi sinh vật tự nhiên được phân lập từ các vùng sinh thái và đối tượng cụ thể. Những vi sinh vật này mang trong mình những đặc điểm độc đáo và khả năng tương thích với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại vùng được phân lập. Ở Việt Nam, sự phong phú và đa dạng của vi sinh vật bản địa là nguồn tài nguyên quý giá cho nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Vi sinh vật bản địa thường có khả năng phù hợp và phát triển tốt trong môi trường tự nhiên, giúp cải thiện hiệu suất sản xuất, giảm thiểu sử dụng hóa chất và hỗ trợ trong việc duy trì cân bằng sinh thái. Xuất phát từ thực tế đó, đơn vị thực hiện đề tài hướng đến mục tiêu khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên vi sinh vật bản địa để sản xuất chế phẩm vi sinh vật ứng dụng trong nuôi tôm hiệu quả và bền vững ở tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, đơn vị thực hiện sẽ triển khai các nội dung: Phân lập, tuyển chọn các chủng vi khuẩn thuộc chi Rhodobacter sp.bản địa. Xây dựng các quy trình: nhân giống các chủng VSV được tuyển chọn; quy trình nuôi sinh khối các chủng VSV được tuyển chọn trong môi trường lỏng sản xuất chế phẩm vi sinh. Sản xuất thử nghiệm chế phẩm vi sinh xử lý sulfide, các hợp chất hữu cơ trong ao nuôi thủy sản.
Đơn vị thực hiện báo cáo trước Hội đồng
Dự kiến sản phẩm dự án đạt được gồm: 01 quy trình ứng dụng sản xuất chế phẩm vi sinh dạng lỏng từ VK Rhodobacter sp. phù hợp. Nguồn giống VK Rhodobacter sp. bản địa, tối thiểu 02 chủng. Chế phẩm vi sinh từ VK Rhodobacter sp. bản địa: 1.000 lít . Mật độ VSV: >108CFU/ml.
Dự kiến, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là căn cứ khoa học cho việc ứng dụng vi khuẩn tía quang hợp có nguồn gốc bản địa vào việc xử lý môi trường ao nuôi tôm ở địa phương hiệu quả, an toàn, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước trong nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp ở tỉnh Quảng Trị. Đây là giải pháp giúp người nuôi/doanh nghiệp phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững, từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu suất của các vùng nuôi tôm ở địa phương.
Hội đồng đánh giá thuyết minh đề tài nghiêm túc, khoa học. Các thành viên Hội đồng KH&CN đã góp ý một số nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện thuyết minh. Hội đồng nhất trí và thống nhất việc triển khai thực hiện đề tài ./.