Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Trước năm 2015, số lượt cá nhân, đơn vị trên địa bàn đăng ký SHTT không nhiều, một phần do sản xuất chưa phát triển, mặt khác do các chủ cơ sở sản xuất ít quan tâm đến “bản quyền” của sản phẩm trên thị trường. Những năm gần đây, trước yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng tăng nên các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm hơn đến việc đăng ký SHTT cho sản phẩm. Số sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu tăng dần qua các năm. Đến năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận số đơn tăng 78% và số văn bằng cấp tăng 39,4% so với năm 2015.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tập trung hướng dẫn các tổ chức, cá nhân làm hồ sơ, thủ tục xác lập 3 nhãn hiệu tập thể (NHTT), 1 nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), 15 nhãn hiệu thông thường. Cũng trong năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho 42 nhãn hiệu sản phẩm của tỉnh Quảng Trị, trong đó có 11 NHTT, 1 NHCN và 30 nhãn hiệu thông thường. Phần lớn nhãn hiệu bảo hộ đều được phép sử dụng tên địa danh để đăng ký như: Nước mắm Cửa Tùng, dưa hấu Mò Ó, bánh tét Đại An Khê, bánh bèo - bánh ướt Phù Lưu, bưởi - thanh trà Thượng Phước, dưa lê Triệu Độ, bưởi da xanh Vĩnh Thủy, thanh Long Vĩnh Thủy, sen quê An Lưu, bún Thượng Trạch, gạo huyết rồng Triệu Phước; gạo Diên Sanh...
Qua đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, làm tăng danh tiếng của sản phẩm, đặc biệt là nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; góp phần thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Bên cạnh đó, thông qua triển khai đề tài KH&CN các cấp, sở tiến hành hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho nhiều sản phẩm. Đến nay, tỉnh có 1 chỉ dẫn địa lý (hạt tiêu Quảng Trị), 2 sản phẩm chè vằng Quảng Trị và cà phê vùng Hướng Hóa đang tiến hành xác lập quyền chỉ dẫn địa lý gắn với các đề tài là: Xác lập quyền chỉ dẫn địa lý “Chè vằng Quảng Trị” cho các sản phẩm chè vằng của tỉnh Quảng Trị; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, các dự án KH&CN cấp cơ sở như: Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Diên Sanh” theo hướng sản xuất hữu cơ; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm dược liệu tinh dầu “Mộc San”... cũng được đưa vào xác nhận trong quá trình làm hồ sơ thủ tục cấp quyền SHTT cho sản phẩm.
Từ việc phát triển nhãn hiệu khẳng định chất lượng của các sản phẩm, qua đó nâng cao uy tín của các thương hiệu hàng hóa của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường ứng dụng các tiến bộ KHCN và tổ chức sản xuất hiệu quả hơn. Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và SHTT, Sở KH&CN Thái Thị Nga cho biết: “Sở KH&CN đã chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển SHTT trên địa bàn tỉnh. Tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân kinh doanh tạo dựng và bước đầu khai thác các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Từ đó, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển bền vững hơn”.
Những kết quả trong hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là đáng ghi nhận, song hiện nay, khó khăn vẫn còn ở khâu quản lý và phát triển nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ mà nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, không đáp ứng kịp yêu cầu với nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ; tình hình COVID -19 diễn biến phức tạp, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng nhãn hiệu gặp khó khăn trong quá trình xúc tiến thương mại; chưa có nhà máy chế biến nông sản lớn… Trước những khó khăn đó đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải đầu tư chiều sâu để đáp ứng các yêu cầu về quản lý và phát triển nhãn hiệu.
Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh hoạt động SHTT đạt hiệu quả cao hơn. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 31/2017/NQHĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025; rà soát, xây dựng cơ chế tài chính, chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ, phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của địa phương trong giai đoạn tới; tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng, quản lý và phát triển các NHCN, NHTT, chỉ dẫn địa lý sử dụng yếu tố địa danh cho các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh.
Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ các địa phương đăng ký xác lập quyền ra nước ngoài đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu để phục vụ việc xuất khẩu các hàng hóa chủ lực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh nhằm bảo vệ thương hiệu các nhãn hiệu mang yếu tố địa danh đã được bảo hộ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các địa phương, hiệp hội trong hỗ trợ và triển khai hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT.
Hỗ trợ các sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đăng ký và xác lập quyền SHTT theo quy định... Các hoạt động tăng cường xây dựng SHTT cho các sản phẩm địa phương góp phần quan trọng nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững hơn.
http://baoquangtri.vn/