Thúc đẩy hợp tác trên Hành lang kinh tế Đông - Tây giữa Quảng Trị và các địa phương Thái Lan
Khép lại sự kiện Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” lần thứ I do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức trong hai ngày 3 - 4/8/2023, một trong hai nội dung quan trọng là hội nhập chuỗi cung ứng và thúc đẩy hợp tác trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) được các đại biểu quan tâm dành nhiều thời gian thảo luận để cùng đề xuất các giải pháp hữu hiệu triển khai trong thời gian tới. Đối với tỉnh Quảng Trị, việc hội nhập chuỗi cung ứng và thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Thái Lan nhằm tận dụng lợi thế nằm trên EWEC càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp Thái Lan với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Trị - Ảnh: T.T
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 7 dự án đầu tư của nhà đầu tư Thái Lan (đầu tư trực tiếp hoặc tham gia góp vốn) với tổng mức đầu tư hơn 109 triệu USD. Trong đó có 5 dự án đang hoạt động là Nhà máy sản xuất nước uống tăng lực Super Horse, Nhà máy sản xuất săm lốp cao su Camel, Nhà máy sản xuất dăm gỗ và chế biến lâm sản, Khu nuôi tôm công nghiệp trên cát xã Hải Ba và xã Hải An, huyện Hải Lăng, Chế biến và sản xuất hàng lâm sản xuất khẩu. Hai dự án đang triển khai xây dựng gồm Nhà máy sản xuất dăm gỗ và chế biến lâm đặc sản Shaiyo AA Quảng Trị, Khu Công nghiệp Quảng Trị.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam có thâm niên đầu tư tại Việt Nam 30 năm, hoạt động trong lĩnh vực nông - công nghiệp và chế biến thực phẩm khép kín, chủ yếu trên các đối tượng vật nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Đến nay, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã có 91 văn phòng và chi nhánh khắp Việt Nam. Riêng tại Quảng Trị, công ty đã mở chi nhánh đầu tư sản xuất hơn 10 năm nay, nuôi tôm theo mô hình CPF-Combine Model với ưu điểm thiết kế, xây dựng dễ dàng, chi phí hợp lý, nuôi tôm an toàn, không có kháng sinh, làm giảm bớt sự tác động của thời tiết trong giai đoạn nuôi tôm giống, giúp sản lượng tôm tăng, đạt hiệu quả cao.
Ông Adisak Torsakul, Phó Tổng Giám đốc Điều hành cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết: “Công ty đã đầu tư cải tiến phát triển quy trình nuôi tôm xuyên suốt thời gian qua. Tôm được đưa từ Quảng Trị đến nhà máy chế biến tôm đặt tại Thừa Thiên Huế để xuất khẩu. Về lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, chúng tôi đã khuyến khích, hỗ trợ người dân chăn nuôi lợn, gà trong khu vực của tỉnh Quảng Trị và các tỉnh lân cận.
Đồng thời mở rộng đầu tư chăn nuôi liên tục nhằm hỗ trợ người dân chăn nuôi cũng như hợp tác chăn nuôi với người dân. Chính quyền tỉnh Quảng Trị luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đầu tư cũng như sắp xếp bố trí khu vực nuôi tôm ngay từ những ngày đầu tiên công ty đầu tư vào địa phương”.
Phát huy vai trò, vị thế là tỉnh “ đầu cầu” về phía Đông của Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, Quảng Trị đã và đang huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc...
Đây là tiền đề quan trọng để phát huy, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế mà EWEC có thể mang lại cho sự phát triển vùng và khu vực nói chung trong đó có sự phát triển của tỉnh Quảng Trị. Hiện Quảng Trị có 2 khu kinh tế (KKT) gồm KKT Đông Nam Quảng Trị với diện tích 23.792 ha, là KKT biển đa ngành, điểm đột phá của tỉnh Quảng Trị. KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo có diện tích 15.804 ha nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, là một trong những KKT cửa khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với cơ sở hạ tầng khá đồng bộ.
Đối diện với KKT này là Khu thương mại biên giới Densavan, tỉnh Savannakhet (Lào). Hai KKT, khu thương mại này là điểm nút quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây đang trong quá trình nghiên cứu, lập đề án để xây dựng Khu thương mại chung giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Bên cạnh đó, Quảng Trị có 5 khu công nghiệp đã và đang được đầu tư hạ tầng cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, khá hiện đại với quy mô sử dụng đất trên 1.700 ha phù hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư Thái Lan. Tỉnh đã và đang tích cực quan tâm, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai thi công Cảng nước sâu Mỹ Thủy, tiến hành các thủ tục để khởi công Cảng hàng không Quảng Trị, tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, đường 15D kết nối cảng Mỹ Thủy và Cửa khẩu quốc tế La Lay, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo...
Như vậy, cùng với hệ thống huyết mạch giao thông chiến lược của quốc gia, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông về đường bộ, sân bay, cảng biển đang được triển khai ở Quảng Trị sẽ tạo thuận lợi cho đầu tư, thương mại và du lịch giữa các tỉnh, thành phố của Thái Lan đến với Quảng Trị và các tỉnh miền Trung của Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế.
Tỉnh trưởng tỉnh Mukdahan, Thái Lan Vorayan Bunarat cho biết: “Tỉnh Mukdahan, Thái Lan và Quảng Trị đã có rất nhiều doanh nghiệp hợp tác với nhau. Đơn cử như Nhà máy sản xuất săm lốp cao su Camel với tổng mức đầu tư 15 triệu USD của Thái Lan đầu tư tại KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo hoạt động rất hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào Quảng Trị nhằm tăng cường sự hợp tác giữa đôi bên”.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị Phạm Trường Sơn, toàn tỉnh hiện có trên 40 doanh nghiệp đang trực tiếp hoặc gián tiếp hợp tác kinh doanh với đối tác Thái Lan trên các lĩnh vực như nhập khẩu ô tô và phụ kiện đi kèm, các mặt hàng điện tử gia dụng, mỹ phẩm, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày...
Trong khi đó, hợp tác đầu tư của Quảng Trị được các đối tác Thái Lan đánh giá cao là các lĩnh vực có tiềm năng như năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistics...Các mặt hàng nông sản như tinh dầu dược liệu các loại, cà phê, hồ tiêu cũng được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.
Bà Kuk Khai, đại diện doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến nông sản ở Thái Lan chia sẻ: “Vùng nguyên liệu nông sản Quảng Trị rất phong phú. Chúng tôi sẽ tận dụng điều này để có thể hợp tác trong thời gian tới. Công nghệ chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp của Thái Lan chắc chắn sẽ giúp thương hiệu nông sản Quảng Trị phát triển”.
Xác định sản xuất nông nghiệp là “bệ đỡ”, Quảng Trị đang tích cực triển khai thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội; cơ sở giáo dục, dạy nghề và y tế chất lượng cao, cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế.
Đánh giá về lợi thế của tỉnh Quảng Trị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura cho rằng, việc tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” lần này là cơ hội tăng cường thông tin và hiểu biết cho các doanh nghiệp Thái Lan để họ nhận thức được Quảng Trị chỉ cách các tỉnh biên giới phía Đông Bắc Thái Lan 244 km, ngắn hơn khoảng cách từ Quảng Trị tới Hà Nội cũng như từ các tỉnh biên giới phía Đông Bắc Thái Lan tới Băng Cốc. Hành lang kinh tế Đông -Tây là tuyến kết nối các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông, cũng là tuyến vận tải hàng hóa từ Thái Lan sang Việt Nam với thời gian khoảng 6 giờ.
“Trong tương lai không xa, sẽ có nhiều nhà đầu tư của Thái Lan quan tâm cả về chuỗi cung ứng, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực khác tại Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng”, ông Nikorndej Balankura nhấn mạnh.
Tỉnh Quảng Trị đã đưa ra thông điệp tại Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” lần thứ I là: “Quảng Trị - Điểm hội tụ và hợp tác phát triển của Thái Lan trên Hành lang kinh tế Đông - Tây”. Lãnh đạo địa phương cam kết mạnh mẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đón đầu dòng chảy đầu tư, hợp tác, phát triển, du lịch từ Thái Lan một cách chủ động, hiệu quả.
https://baoquangtri.vn/