Ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển sản phẩm chủ lực
Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tác động tích cực vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, góp phần đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực vào việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã tích cực ứng dụng KH&CN vào phát triển sản phẩm chủ lực.
Phát triển mô hình lúa hữu cơ ở huyện Triệu Phong - Ảnh: T.A.M
Trong 10 năm qua, có khá nhiều chương trình, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH&CN cấp quốc gia, cấp tỉnh được triển khai tại địa phương.
Các chương trình, đề án hỗ trợ phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương về cơ bản đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, trong đó có ngành nông lâm thuỷ sản.
Nhóm cây trồng tạo sản phẩm chủ lực phục vụ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như: cà phê, cao su, cây gỗ nguyên liệu... Nhóm cây trồng tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, mang tính đặc sản vùng miền: hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu, lúa chất lượng cao...
Nhóm các con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: bò, tôm...Thông qua các chương trình, đề án đã đẩy mạnh phát triển quy trình sản xuất an toàn, bền vững như quy trình hữu cơ, canh tác tự nhiên, GAP, an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực và tư duy sản xuất của người dân, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất quy mô nhỏ lẻ lên quy mô hàng hoá, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản... từng bước tạo dựng thương hiệu nông sản, dược liệu Quảng Trị như: lan hồ điệp Sa Mù, dâu tây Sa Mù, đông trùng hạ thảo Sa Mù, Tralavang, Cagali, giảo cổ lam Cồn Cỏ, hồ tiêu Vĩnh Linh, gạo hữu cơ, cà phê Khe Sanh...
Công tác ứng dụng KHCN vào sản xuất đã tập trung đổi mới, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao có hiệu quả các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH địa phương.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất đã có bước phát triển mới, với các giải pháp như: nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm, công nghệ thủy canh, nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, giống lâm nghiệp nuôi cấy mô... đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Công tác ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp được triển khai thực hiện có hiệu quả. Các mô hình sản xuất thử nghiệm tập trung vào các loại hoa cao cấp, có giá trị cao, các sản phẩm chế biến từ thảo dược; ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân ở vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Trị.
Ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất các loại chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp như Compo-QTMIC, Tricho-Pseu, NitroQTMIC, Perfect-QTMIC, Bio-QTMIC, Pro-QTMIC...
Bên cạnh đó, ngành đã phối hợp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất.
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ được các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Các chương trình cánh đồng lớn, dự án liên kết sản xuất tiếp tục đem lại hiệu quả thiết thực.
Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, VietGAP... ngày càng tăng; nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu.
Phương thức chăn nuôi được chuyển dịch đúng hướng, từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, gắn với đầu tư chuồng trại, trang thiết bị hiện đại. Công tác trồng rừng cây gỗ lớn, gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) được đẩy mạnh. Ứng dụng công nghệ cao trong khai thác thủy sản tiếp tục được tăng cường, nhất là khâu bảo quản sản phẩm sau khai thác.
Cơ sở hạ tầng nghề cá, các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và đề án nhằm phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương và đạt nhiều kết quả tích cực...
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp được duy trì ổn định qua các năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP).
Thời gian tới, ngành KH&CN tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong ứng dụng KH&CN vào sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh là: tăng cường công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình mới, hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp theo hướng đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển bền vững của ngành, góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, nâng tầm một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp...
Trong đó, chú ý hỗ trợ đầu tư các dự án sản xuất trồng trọt công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục rà soát, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách và đề án đã ban hành.
Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, nông thôn, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tâm huyết với ngành. Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học theo Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 18/12/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 71-CTr/TU ngày 24/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh hiện đại, tiếp cận với các thoả thuận khu vực và quy định quốc tế, đảm bảo cho ngành nông lâm thủy sản hòa nhập với xu thế phát triển chung của cả nước, thâm nhập ổn định vào thị trường thế giới.