Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 09-12-2022

Doanh thu ngành công nghiệp công nghệ số ước đạt 148 tỷ USD năm 2022

Ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021; số lượng doanh nghiệp hơn 70.000. Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD.

Ngày 8/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 (Diễn đàn Make in Vietnam 2022).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan các gian hàng tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022).

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ nhiều ý kiến mang tính tổng quan của ngành công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện tại và thông điệp gửi đến cộng đồng doanh nghiệp số tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để thực hiện mục tiêu đến năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển, có một cuộc sống hoà bình, an toàn, văn hoá và một nền sản xuất hiện đại, Việt Nam phải làm rất nhiều việc phi thường. Trong đó, từ năm 2020 - 2030, mục tiêu đặt ra là Việt Nam phải tăng trưởng GDP 7,5%/năm và từ năm 2031 trở đi cũng phải hơn 6% một năm. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam nói chung và ngành công nghệ thông tin nói riêng phải có những giải pháp đặc biệt, khát vọng mãnh liệt, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Điểm lại chặng đường hơn 20 năm qua, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn đã và đang có nhiều đóng góp to lớn cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh công nghệ  mang sứ mệnh mở đường. Phó Thủ tướng đề cập đến 3 vấn đề là thể chế, nhân lực và những bài toán mới cần được giải quyết bằng công nghệ số hiện đại.

“Để phát triển và gánh vác những phần việc quan trọng Chính phủ giao cho ngành công nghệ thông tin, các doanh nghiệp công nghệ số Việt cần thiết lập lực lượng, có người dẫn dắt, đoàn kết để mạnh dạn bước ra nước ngoài với tinh thần tự tin. Đồng thời, tại Việt Nam, những giải pháp công nghệ phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ Chính phủ và người dân” - Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam lưu ý.

Phó Thủ tướng đề xuất cộng đồng công nghệ thông tin, các doanh nghiệp công nghệ số cần làm cùng nhau, đặt ra bài toán thật cụ thể, làm đến cùng. Các Hiệp hội công nghệ thông tin cần phát triển, thể hiện đúng vai trò.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định, các doanh nghiệp cần có khát vọng lớn, tiên phong nhận nhiệm vụ để góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Các doanh nghiệp phải biến công nghệ số thành động lực quan trọng cho sáng tạo, đổi mới sáng tạo bằng công nghệ số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét thay đổi thể chế để phù hợp, giúp các doanh nghiệp số phát triển; đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, trở thành nòng cốt cho quá trình chuyển đổi số quốc gia; cùng cộng đồng doanh nghiệp, đẩy mạnh khai phá thị trường trong nước, đổi mới cách làm, lấy thị trường trong nước làm bàn đạp ra nước ngoài…

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp với tư tưởng tạo ra nhiều sản phẩm do người Việt làm chủ...

Công nghiệp công nghệ số là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số là trên 70.000. Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo.

Tham dự Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin về xu hướng công nghệ thông tin toàn cầu; đề xuất các giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam bền vững, làm chủ thị trường trong nước, nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng giám đốc VNPT đề cập đến vấn đề "Doanh nghiệp công nghệ số tăng tốc thực hiện chuyển đổi số quốc gia". Theo ông Diên Hy, thị trường chuyển đổi số của Việt Nam vẫn còn dư địa lớn, cần phát triển công nghệ để giải các bài toán của Việt Nam. Đặc biệt khi Việt Nam hiện đứng thứ 86 về Chính phủ số - rất thấp so với thế giới.

Diễn đàn thu hút đông đảo chuyên gia, đại diện doanh nghiệp. 

Là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, VNPT đưa ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đầu tiên là Chính phủ số, ông Diên Hy cho biết Tập đoàn tham gia đầy đủ và toàn diện phát triển Chính phủ số. "Chúng tôi tập trung bám sát chiến lược quốc gia, thứ hai là dựng nền tảng chung tất cả hệ sinh thái do VNPT phát triển", ông Hy nói.

Về kinh tế số, VNPT tập trung vào y tế, giáo dục, nông nghiệp. Đặc biệt, trong nông nghiệp, tập trung cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát triển dữ liệu ban đầu và mong các doanh nghiệp cùng tham gia triển khai. Riêng với giáo dục, ông Diên Hy cho biết Tập đoàn có hơn 50% thị phần đang được sử dụng trong các trường phổ thông.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT đã có chia sẻ về lĩnh vực gia công phần mềm của Việt Nam. Khẳng định công nghệ thông tin sẽ đóng góp rất lớn vào hoạt động của các doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt khi Việt Nam nỗ lực để phát triển kinh tế tuần hoàn, chúng ta phải có một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Khoa đề xuất quốc gia cần có những bài toán lớn cho doanh nghiệp, thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cần hợp lực để đẩy mạnh thương hiệu số quốc gia và phát triển nguồn nhân lực…

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Ban Tổ chức đã công bố và trao giải thưởng các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2022. Đây là các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Bên lề Diễn đàn là triển lãm trực tiếp và trực tuyến trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam tiêu biểu, phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số./.

https://dangcongsan.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 1887
Tổng lượt truy cập: 4.034.605
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!