Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 04-01-2023

Những kết quả nổi bật về đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2022

Năm 2022, ngành Khoa học và Công nghệ đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp ngày càng thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Ảnh minh họa: TL 

 Những kết quả nổi bật

Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã khẳng định phải đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế có những thuận lợi, cơ hội, khó khăn và thách thức đan xen, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất Đảng; sự đồng hành và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng tình, chia sẻ, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đóng góp ngày càng thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, năm 2022 hành lang pháp lý về KH,CN&ĐMST tiếp tục được hoàn thiện, cụ thể: Bộ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Đây là động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bộ KH&CN tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV về sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử.

Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành là bước cụ thể hoá các nội dung về KH,CN&ĐMST đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030. Chiến lược hướng đến mục tiêu KH,CN&ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai tập trung vào các hướng nghiên cứu cơ bản, công nghệ ưu tiên, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trọng điểm, chủ lực trong các ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã xây dựng cơ chế quản lý nhiệm vụ nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đơn giản hoá quy trình, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Các chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST góp phần tăng cường xác lập, bảo hộ, thực thi, khai thác tài sản trí tuệ; đẩy mạnh nhập khẩu dây chuyền, thiết bị đã qua sử dụng; trích lập Quỹ phát triển KH&CN; thu hút, trọng dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ tri thức; nâng cao hiệu quả hoạt động, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 "kỳ lân" công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế trong "tam giác vàng" khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Mô hình Techfest được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 Techfest vùng, địa phương được tổ chức trong năm 2022. Đồng thời, ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương và cấp vùng cho thấy sự lớn mạnh của hệ sinh thái là kết quả nỗ lực sau 8 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

Bộ KH&CN cũng đã chủ trì, phối hợp với WIPO và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ KH&CN thực hiện và triển khai thí điểm với 20 địa phương, từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của bộ chỉ số với các địa phương. PII được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi tỉnh/thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST.

Xây dựng năng lực công nghệ cốt lõi

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Lê Xuân Dịnh cũng cho biết còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như:  Hiện nay các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đầy đủ, đồng bộ. Việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp với mục tiêu đưa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, thị trường KH&CN còn chậm phát triển; hoạt động đổi mới, ứng dụng và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp chưa hiệu quả. Các cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy, nhân lực KH&CN ở địa phương liên tục thay đổi và ngày càng giảm gây khó khăn cho hoạt động quản lý KH&CN ở địa phương…

Để triển khai hiệu quả các hoạt động KH,CN&ĐMST trong thời gian tới, Bộ KH&CN đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ đóng góp của  năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức 50%  thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học; hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc huy động đa dạng các nguồn lực để tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN để đến 2025 đầu tư cho KH&CN đạt 1,2% - 1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8% - 1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60% - 65%.

Đồng thời, tập trung xây dựng năng lực công nghệ cốt lõi thúc đẩy tiêu chuẩn, đo lường chất lượng và phát triển công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh.

Phấn đấu số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 10%/năm. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng tối thiểu 12% - 14%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng tối thiểu 10% -12%/năm, 8% - 10% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 6% - 8% số sáng chế được cấp bằng bảo hộ. Phát triển được hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới. Chuyển đổi số các quy trình quản lý chương trình, nhiệm vụ KH&CN, sẵn sàng tiến tới quản lý, tác nghiệp 100% trên môi trường mạng…

Thực hiện phân công của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho hay, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các cơ quan liên quan xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và đã tổ chức triển khai thử nghiệm tại 20 tỉnh/thành phố ở 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập khác nhau, cơ cấu kinh tế khác nhau, đủ tiêu chí để đại diện cho tất cả 63 tỉnh/thành phố trên phạm vi toàn quốc.

Trên cơ sở kết quả thử nghiệm thành công bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2022, Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023. Đồng thời, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo./.

https://dangcongsan.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 15
Hôm nay: 62
Tổng lượt truy cập: 3.555.635
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!