Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 05-09-2023

Công bố tiêu chuẩn mới phân lân nung chảy cho nông nghiệp hữu cơ

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Quyết định số 1535//QĐ-BKHCN công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1078:2023 về phân lân nung chảy dùng cho nông nghiệp hữu cơ.

Cụ thể, TCVN 1078:2023 được thay thế cho TCVN 1078:2018 và do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 134 phân bón biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ KH&CN công bố.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho phân lân nung chảy và cũng quy định các tiêu chí đối với phân lân nung chảy sử dụng trong trồng trọt hữu cơ. Cụ thể, phân lân nung chảy phải phù hợp với các yêu cầu quy định trong Bảng 1 (dưới).

Ngoài ra, phân lân nung chảy dùng trong trồng trọt hữu cơ phải đáp ứng các yêu cầu nêu trong Bảng 1 và các tiêu chí: Một là nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc từ tự nhiên, hai là không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất.

Để xác định hàm lượng phospho hữu hiệu cần hoà tan phân lân nung chảy bằng dung dịch axit citric 2%. Kết tủa ion phosphat bằng amoni molipdat trong môi trường axit nitric, dùng amoni hydroxit với lượng dư để hoà tan kết tủa.

Tiêu chuẩn TCVN 1078:2023 về phân lân nung chảy dùng cho nông nghiệp hữu cơ 

Sau đó, dùng hỗn hợp magiê kết tủa ion phosphat dưới dạng NH4MgPO4. Lọc, rửa, nung kết tủa NH4MgPO4. Kết tủa sau khi nung ở dạng Mg2P2O7, cân và tính ra hàm lượng phospho hữu hiệu (theo P2O5).

Với hàm lượng canxi oxit, magiê oxit cần phân hủy và chuyển hóa canxi oxit, magiê oxit trong mẫu phân bón bằng hỗn hợp axit nitric và axit clohydric đậm đặc. Xác định hàm lượng canxi oxit, magiê oxit trong dung dịch bằng phép chuẩn độ tạo phức với EDTA (Ethylenediaminetetraacetic acid).

Còn để xác định cỡ hạt (độ mịn), người thực hiện cần cân khoảng 250g mẫu đã sấy khô (chính xác đến 0,01g). Lựa chọn sàng (5.3.1.1) hoặc sàng (5.3.1.2) tùy theo dạng mẫu (dạng bột, dạng hạt hoặc dạng viên). Đổ mẫu lên sàng. Đậy nắp sàng và tiến hành sàng cho đến khi không thấy mẫu lọt qua sàng. Cân phần còn lại trên sàng, chính xác đến 0,01g.

Ngoài ra, độ ẩm được xác định theo TCVN 9297 và hàm lượng cadimi được xác định theo TCVN 9291.

Quy định về bao gói là phân lân nung chảy được đóng vào bao. Khối lượng bao tùy theo nhà sản xuất nhưng sai lệch khối lượng không quá ± 0,5%. Bao chứa phân lân nung chảy phải đảm bảo bền và cách ẩm.

Trên nhãn phải có ít nhất các thông tin: Cơ sở sản xuất; Tên sản phẩm; Dạng sản phẩm; Hàm lượng phospho hữu hiệu (tính theo P2O5), hàm lượng canxi (tính theo CaO), hàm lượng magie (tính theo MgO), hàm lượng cadimi (Cd) và độ ẩm; Ngày sản xuất, hạn sử dụng; Khối lượng tịnh; Khối lượng tịnh; Viện dẫn tiêu chuẩn TCVN 1078:2023.

Tiêu chuẩn cũng quy định phân lân nung chảy phải được để ở nơi khô ráo, có mái che và vận chuyển bằng các phương tiện có che chắn, đảm bảo khô.

https://vietq.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 1252
Tổng lượt truy cập: 4.026.312
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!