Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 13-10-2023

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/06/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật KH&CN đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Tuy nhiên hiện nay, khi bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, Luật KH&CN đã bộc lộ những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, cần được tháo gỡ để giải phóng sức sáng tạo, thúc đẩy việc phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Bộ KH&CN đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới.

Sinh viên thực hiện thí nghiệm tại Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội (Nguồn: Viện Kỹ thuật Hóa học).

Cơ sở pháp lý đầy đủ và thống nhất cho hoạt động KH&CN

Luật KH&CN được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18/06/2013 (Luật số 29/2013/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/06/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Với vai trò là đạo luật gốc trong lĩnh vực KH&CN, Luật KH&CN đã thể chế hoá những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong phát triển KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế.

Từ khi thi hành đến nay, Luật KH&CN đã phát huy vai trò trong việc tạo cơ sở pháp lý hiệu lực cao, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN; phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức KH&CN chủ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm; phát triển mạnh thị trường KH&CN; đổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng là tiêu chuẩn hàng đầu; chuyển các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phương thức khoán sản phẩm KH&CN; phát triển các doanh nghiệp KH&CN, các quỹ trong lĩnh vực KH&CN; xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài KH&CN; thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì sự phát triển của đất nước; tích cực và chủ động mở rộng hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST.

Để triển khai Luật KH&CN, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành 10 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định quy phạm pháp luật và ban hành theo thẩm quyền 51 thông tư. Các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai các quy định của Luật KH&CN và văn bản hướng dẫn thi hành trong thực tiễn.

Có thể nói, qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật KH&CN đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Hành lang pháp lý về KH&CN ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng; các quy định về tổ chức KH&CN, trọng dụng, sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN, quản lý nhiệm vụ KH&CN được hoàn thiện; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hội nhập quốc tế.

Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 10 năm triển khai thi hành, Luật KH&CN cũng đã bộc lộ những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, cần được tháo gỡ để giải phóng sức sáng tạo, thúc đẩy việc phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đồng thời, bối cảnh trong nước và quốc tế thời gian qua cũng có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về KH,CN&ĐMST.

Các cơ hội và thách thức đến từ bối cảnh quốc tế và trong nước được thể hiện trong đánh giá của Đảng tại Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII: “KH,CN&ĐMST và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. KH,CN&ĐMST ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”.

Do đó, để hoàn hoàn thiện thể chế về KH,CN&ĐMST theo hướng thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các quy định về KH,CN&ĐMST cần bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ KH&CN đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN, tập trung vào các chính sách sau: i) Hoàn thiện quy định về thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN, tăng cường quản lý và nâng cao vai trò của tổ chức KH&CN; ii) hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động KH&CN; bổ sung quy định về chức danh công nghệ và các ưu đãi kèm theo để tạo động lực cho đội ngũ cán bộ KH&CN; iii) hoàn thiện quy định về nhiệm vụ KH&CN; iv) sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển KH,CN&ĐMST; v) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vi) Hoàn thiện quy định về hội nhập quốc tế về KH&CN.

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 17
Hôm nay: 3542
Tổng lượt truy cập: 3.960.378
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!