Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 07-12-2023

Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Rửa tiền là vấn đề mang tính tính toàn cầu và gây ra những hậu quả to lớn trên nhiều phương diện kinh tế - chính trị - xã hội, phá huỷ nền kinh tế, an ninh và gây ra những hậu quả xấu cho xã hội, đồng thời nó khuyến khích hoạt động phạm tội khác như mua bán ma tuý, khủng bố, tham nhũng.

Ở Việt Nam, trong những năm qua, khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền (PCRT) ngày càng được hoàn thiện. Luật phòng, chống rửa tiền lần đầu tiên được ban hành năm 2012, quy định về tội rửa tiền trong Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản có liên quan đã bước đầu tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng trong hoạt động phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, dưới sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề mới liên quan đến hành vi rửa tiền. Luật phòng, chống rửa tiền được ban hành từ năm 2012 chưa dự liệu và điều chỉnh được hết các hành vi, phương thức, thủ đoạn rửa tiền sử dụng các công nghệ cao. Chính vì vậy, Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020 của Chính phủ đã xây dựng một khung hành động phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn 2015-2020 trong đó giao Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Luật phòng, chống rửa tiền phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là chống rửa tiền khi áp dụng sản phẩm công nghệ mới hoặc sản phẩm cũ nhưng áp dụng công nghệ mới. Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyêt Đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”, trong đó có nhiều hoạt động như: rà soát hệ thống pháp luật; đề xuất, biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; xây dựng khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo vào năm 2020.... Trong bối cảnh như vậy, một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tội rửa tiền trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cần có sự nghiên cứu, giải đáp. Từ thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Minh Khuê tại Viện Khoa học pháp lý đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” từ năm 2019 đến năm 2020.

Mục tiêu của đề tài là nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về rửa tiền sử dụng công nghệ cao; đánh giá thực trạng pháp luật hiện hành của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền sử dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn quốc tế; và đề xuất định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Đề tài đã thu được một số kết quả như sau:

- Đã nghiên cứu những vấn đề lý luận về rửa tiền sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam (bản chất, đặc điểm của các sản phẩm công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0; đánh giá tác động và khả năng sử dụng các công nghệ mới trong hoạt động rửa tiền; các loại tiền ảo dựa trên cơ sở công nghệ chuỗi khối (Blockchain) có nên được công nhận là hàng hóa, công cụ thanh toán, hay các công cụ tài chính khác không?; mức độ công nhận của Nhà nước và các giải pháp tương ứng để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có rửa tiền?...).

- Đã đánh giá nguy cơ và thực trạng rửa tiền sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam; các phương thức, thủ đoạn rửa tiền sử dụng công nghệ cao...

- Đã làm rõ thực trạng pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (khung pháp luật trong phòng, chống rửa tiền sử dụng công nghệ cao; mức độ phù hợp và tương thích của các văn bản pháp luật phòng, chống rửa tiền sử dụng công nghệ cao đối với các tiêu chuẩn quốc tế...).

- Đã đề xuất định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (sửa đổi Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012; Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, các văn bản pháp luật xử lý vi phạm hành chính và những văn bản có liên quan đến phòng, chống rửa tiền…).

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam về PCRT sử dụng công nghệ cao là đòi hỏi có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật PCRT cần đặt trong bối cảnh nhà nước ta đang đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 do đó, cần có bước đi thận trọng, khuyến khích sự phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; việc hoàn thiện pháp luật cần đồng hành cùng với phát triển của khoa học và công nghệ.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19186/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 118
Hôm nay: 160
Tổng lượt truy cập: 3.277.240
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.