Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam
Thế giới đương đại đang bước vào kỷ nguyên số. Quá trình này bắt đầu bằng sự tăng tốc của quá trình số hóa thông tin, được định nghĩa là quá trình chuyển đổi thông tin thực tế thành dạng kỹ thuật số (tức là theo hệ nhị phân, dưới dạng số 0 và số 1). Trên nền tảng thông tin được số hóa, quá trình số hóa đã diễn ra tại các doanh nghiệp, tổ chức cũng như trong xã hội…, dẫn đến quá trình chuyển đổi số, được định nghĩa là hiệu ứng xã hội toàn diện và tổng thể của số hóa, có tác động tạo ra sự chuyển đổi và thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại, mô hình tiêu dùng, cơ cấu kinh tế và xã hội, thể chế và chính sách, mô hình tổ chức, rào cản văn hóa…
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số nói riêng và Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung đang được nhìn nhận rộng rãi là đem lại những cơ hội lớn cho các quốc gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, cũng như cải thiện mọi mặt của cuộc sống xã hội. Việt Nam đặt ra mục tiêu là đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, đồng thời hoàn thành xây dựng Chính phủ số cũng như phát triển xã hội số với hạ tầng mạng băng rộng cáp quang bao phủ 80% hộ gia đình, 100% xã, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 nhìn nhận công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò là một trong những động lực mới của tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới. Một định hướng quan trọng của Chiến lược này là đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam v.v… Hiện nay nhiều tỉnh đã bắt đầu xây dựng các kế hoạch hành động về chuyển đổi số phù hợp với các điều kiện đặc thù của địa phương mình.
Nhằm đánh giá những cơ hội và thách thức đối trong quá trình chuyển đổi số đối với nền quản trị nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và cách mạng công nghệ đang tăng tốc, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, TS. Đặng Xuân Thanh và nhóm nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:
Ở cấp độ quốc gia, theo một đánh giá của Ngân hàng Thế giới chia các quốc gia làm ba nhóm theo mức độ chuyển đổi số: (i) mới bắt đầu; (ii) chuyển tiếp; và (iii) tăng tốc, Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển tiếp, xếp thứ 89/132 cả về mức độ ứng dụng công nghệ số cũng như các yếu tố nền tảng bổ trợ làm chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Như vậy về cơ bản mức độ chuyển đổi số của Việt Nam tương đồng với mức thu nhập bình quân đầu người, hiện được xếp vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đang trong giai đoạn chuyển tiếp lên nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Ở cấp độ doanh nghiệp, kết quả phân tích số liệu điều tra mẫu về công nghệ của Tổng Điều tra doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy trên 65% các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam chưa nhập cuộc vào quá trình chuyển đổi số và 23% doanh nghiệp thuộc nhóm mới tham gia. Còn lại 12% số doanh nghiệp điều tra được đánh giá là có mức độ chuyển đổi số là từ mức trung bình trở lên, trong đó có 0.6% doanh nghiệp nào được đánh giá là thuộc nhóm chuyên gia và không có doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tú. Về mức độ ứng dụng các công nghệ số điển hình, kết quả phân tích số liệu nêu trên cho thấy có đến 77% số doanh nghiệp được điều tra không sử dụng bất cứ công nghệ số điển hình nào. Chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ các doanh nghiệp đã ứng dụng những công nghệ này, phổ biến nhất là công nghệ an ninh mạng, internet kết nối vạn vật (chiếm 14% số doanh nghiệp), thiết bị đầu cuối di động (13% số doanh nghiệp), công nghệ cảm biến và đám mây (9% số doanh nghiệp). Ngoài tỉ lệ doanh nghiệp ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và tích hợp các hệ thống chiếm 6% tổng số doanh nghiệp, tỉ lệ sử dụng các công nghệ khác chỉ ở mức từ 1-2%.
Ở cấp độ Chính phủ, theo đánh giá tình hình triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam, trong bảng xếp hạng năm 2020 của Liên hợp quốc, Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tăng 02 bậc so với năm 2018. Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014 - 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86.
Về giá trị, chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2020 đạt 0.6667 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0.5988), của khu vực Châu Á (0.6373), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0.6321). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6 trong 11 nước, vẫn giữ nguyên vị trí như năm 2018; 5 nước có vị trí cao hơn Việt Nam vẫn là Singapo, Malaixia, Thái Lan, Bruinei và Philipin. Như vậy nhìn chung mức độ chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam trong so sánh quốc tế về cơ bản tương đồng mức thu nhập bình quân đầu người của đất nước.
Hướng về tương lai, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế và đất nước có nhiều thay đổi. Trên thế giới, cùng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa thế giới thực với không gian số. Mọi hoạt động trên thế giới ngày càng trở nên hiệu quả hơn, thông minh hơn. Cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia cũng như giữa các doanh nghiệp ở trên thế giới trên không gian số diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong bối cảnh các dịch vụ cung cấp dữ liệu xuyên biên giới đang tăng tốc. Dữ liệu đang trở nên là một tài nguyên ngày càng quan trọng, các tập đoàn đa quốc gia có vốn hóa lớn nhất cũng là những tập đoàn nắm trong tay những nguồn dữ liệu khổng lồ, là nguồn đầu vào quan trọng cho trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Sự bùng nổ của các hoạt động kinh tế không tiếp xúc (contactless economy) trong bối cảnh đại dịch cũng như trong trạng thái “bình thường mới” của những năm tới đang tạo ra những đòi hỏi cũng như những cơ hội mới đối với việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu cũng như trong từng quốc gia để thích ứng với bối cảnh mới.
Ở trong nước, nhận thức về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nâng cao rõ rệt, từ các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đến các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ cùng mọi người dân, được thể hiện rõ nét trong các nghị quyết của Đảng, chiến lược của Chính phủ, kế hoạch hành động của các bộ ngành, địa phương. Đây là một điểm mạnh mà Việt Nam cần tiếp tục phát huy để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Quy mô dân số tương đối lớn, lại tương đối trẻ tuy quá trình già hóa đang cận kề, nhiều người dân, nhất là lớp trẻ có trình độ học vấn cùng năng lực tiếp thu công nghệ số tương đối tốt cũng là những điểm mạnh mà Việt Nam cần tiếp tục tiếp tục phát huy, khai thác.
Tuy nhiên cũng có nhiều điểm yếu cản trở Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, bao gồm (i) khả năng bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu còn hạn chế; (ii) thiếu ngân sách và nguồn lực giới hạn; (iii) thiếu chuyên gia và thiếu bộ kỹ năng và kiến thức chuyên môn phù hợp (về phân tích, công nghệ và kỹ năng kinh doanh); (iv) thiếu những quy định hay luật pháp phù hợp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực truyền thống cũng như đón nhận những công nghệ số đột phá đang diễn ra trong nền kinh tế dựa vào Internet hay còn gọi là nền kinh tế mới; (v) thiếu văn hóa kỹ thuật số; (vi) năng lực quản trị số và cấu trúc số còn yếu.
Về cơ hội, quá trình chuyển đổi số đang đứng trước những cơ hội lớn khi xu hướng này đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu dưới tác động của cả sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số (về phía cung) cũng như những đòi hỏi của quá trình toàn cầu, trạng thái bình thường mới như nêu ở trên (về phía cầu). Ở trong nước, quy mô dân số tương đối lớn đi cùng với tỷ lệ những ngưởi sử dụng Internet thường xuyên (hay còn được gọi là các công dân số) tương đối cao, với tần suất hoạt động trên không gian số ngày một gia tăng. Đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh. Đây là những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số ở Việt Nam.
Về thách thức, sự cạnh tranh xuyên biên giới về thu thập, cung cấp và kinh doanh dữ liệu từ các tập đoàn công nghệ số đa quốc gia không lồ đang là những yếu tố ảnh hưởng đến sự nhập cuộc của các doanh nghiệp Việt Nam thường có qui mô nhỏ, ít kinh nghiệm hơn. Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, an ninh mạng, đấu tranh với tin giả, văn hóa độc hại… tạo ra những thách thức đáng kể đối với Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài cung cấp các luận cứ khoa học làm đầu vào cho việc xây dựng các chương trình hành động của các bộ ngành và các địa phương nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 204 đến năm 2045, cũng như hiện thực hóa “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030” của Chính phủ. Đề tài sẽ cung cấp các đầu vào quan trọng cho việc hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Chandler của Singapo theo Thỏa thuận đã được ký kết giữa hai tổ chức. Đề tài cũng cung cấp các đầu vào cho các báo cáo kinh tế thường niên của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19160/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/