Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 04-03-2024

Kỹ thuật ghép tạng: Việt Nam đã bắt kịp thế giới dù bắt đầu chậm hơn gần nửa thế kỷ

Nếu như hơn 30 năm trước, ghép tạng còn là ước mơ đối với người bệnh bị suy tạng và giới y học Việt Nam thì đến nay đã bắt kịp thế giới. Thậm chí, ngành ghép tạng ở Việt Nam còn có nhiều thành tựu, khiến thế giới ngưỡng mộ, dù bắt đầu chậm hơn gần nửa thế kỷ.

Bệnh viện TW Huế

Tại Hội nghị Ghép tạng châu Á với chủ đề “Vượt qua đại dịch - Nhiều cơ hội mới”, được tổ chức vào cuối năm 2023 ở Seoul (Hàn Quốc), Việt Nam đã được vinh danh là điểm sáng về ghép tạng. Nhiều trung tâm ghép tạng của Việt Nam đã ứng dụng các tiến bộ mới về kỹ thuật lấy, ghép tạng với nhiều kết quả tốt đẹp. Dù đi sau thế giới hơn 40 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước, thậm chí tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với nhiều quốc gia phát triển, trong khi chi phí lại rẻ hơn rất nhiều. Chi phí một ca ghép ở Việt Nam hiện chỉ bằng 1/8 ở Thái Lan và bằng 1/24 ở Hoa Kỳ.

Thống kê của Bộ Y tế, trong hơn 30 năm qua, cả nước đã có 8.302 người được ghép tạng; trong đó có 7.599 người được ghép thận, 531 người được ghép gan, 75 người được ghép tim và hàng ngàn người được ghép giác mạc. Ghép mô, tạng giúp đem lại sự sống cho các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được. Nếu như trước đây, chỉ có 4 bệnh viện lớn trên cả nước ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Huế thực hiện được kỹ thuật ghép tạng, thì nay Bộ Y tế đã cấp phép cho 25 trung tâm, đơn vị thực hiện kỹ thuật này.

Nhiều trung tâm, bệnh viện ghép tạng hàng đầu của Việt Nam như Trung ương Quân đội 108, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Quân y 103 đã ứng dụng nhiều tiến bộ mới với nhiều kỹ thuật cao cho kết quả tốt như: cắt lấy gan ở người hiến sống bằng phẫu thuật nội soi, ứng dụng huỳnh quang ICG trong ghép gan, ghép gan lấy từ bệnh nhân chết não, triển khai kỹ thuật chia gan để ghép và ghép đồng thời nhiều tạng, áp dụng lấy thận ghép hầu hết bằng phẫu thuật nội soi, ghép thận ở nhóm bệnh nhân có bất đồng nhóm máu….

Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thận thành công cho 2 ca đầu tiên vào năm 1992. Thành công này đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành ghép thận và ghép tạng. Sau 30 năm, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ghép thận cho 1.127 trường hợp, tỷ lệ thành công cao, tương đương với các nước. Bệnh viện cũng tiên phong triển khai các giải pháp mở rộng nguồn thận hiến như ghép thận từ người cho chết não, từ người cho tim ngừng đập, ghép đổi chéo người cho và ghép không tương hợp nhóm máu... Đồng thời, áp dụng nhiều kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot trong lấy thận, ghép thận đón đầu, ghép ở các đối tượng có nguy cơ miễn dịch cao. Đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy có hơn 30 năm triển khai ghép thận, 11 năm ghép gan, 6 năm ghép tim từ người hiến sống, chết não.

Mặc dù đi sau nhưng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang là đơn vị ghép tạng hàng đầu cả nước, nhất là ghép gan. Tính đến đầu năm 2024, Bệnh viện đã thực hiện 204/500 ca ghép gan của cả nước và cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (202 ca). Bệnh viện này cũng đã thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam, ghép chi thể (bàn tay) đầu tiên ở Đông Nam Á…

Năm 2023, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam cũng được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học - công nghệ tiêu biểu với những dấu ấn về việc ghép đa tạng, ghép tạng từ người cho chết não và ghép tạng xuyên Việt của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ năm 2007, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện được ca ghép gan đầu tiên và cho tới nay đã thực hiện được hàng trăm ca ghép tạng khác nhau. Trong đó, đáng kể nhất là ca ghép đa tạng tim, thận vào ngày 15/2/2023 và là ca ghép đồng thời tim, thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Bệnh viện Việt Đức phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện được ca ghép tạng xuyên Việt vào tháng 2/2023. Một dấu ấn cũng rất đáng tự hào nữa là vào những ngày đầu năm 2024, chỉ trong vòng 24 giờ, các y bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã lấy mô, tạng từ 2 người chết não hiến tặng và tiến hành thành công 8 ca ghép tạng.

Ngày càng có nhiều cơ sở y tế tuyến tỉnh đủ điều kiện thực hiện lấy, ghép tạng như Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Đa khoa Thanh Hóa, Đa khoa Kiên Giang… và một số cơ sở y tế tư nhân cũng vào cuộc, có mặt trên bản đồ ghép tạng Việt Nam. Có thể kể đến sự tiên phong của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City - đơn vị y tế tư nhân đầu tiên tại Việt Nam triển khai ghép thận từ năm 2016 và đến năm 2017 cũng triển khai thành công kỹ thuật ghép gan.

Ngày 27/2/2018, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cũng đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên với sự hỗ trợ từ các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ đó đến nay, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã nhiều lần thực hiện ghép thận và đến tháng 5/2021 làm chủ kỹ thuật lấy, ghép thận cho bệnh nhân từ người cho sống và người cho chết não, chính thức trở thành một trong những trung tâm ghép tạng của Việt Nam.

Theo các chuyên gia y tế, ghép tạng là kỹ thuật công nghệ cao, chỉ thực hiện được ở những nước có nền y học tiên tiến. Ngành ghép tạng Việt Nam đi sau thế giới và sau các nước trong khu vực. Tuy nhiên, với những nỗ lực phi thường của các thầy thuốc - nhà khoa học, ngành ghép tạng Việt Nam đã thực hiện được mong muốn của bao thế hệ thầy thuốc trước đây.

Hiện cả nước đã có 25 trung tâm ghép tạng kéo dài từ Bắc vào Nam và đang vươn lên trở thành điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á và châu Á. Trong tương lai, số lượng trung tâm ghép tạng của Việt Nam chắc chắn gia tăng và ngành ghép tạng có triển vọng tiệm cận các quốc gia tiên tiến.

Tuy nhiên, hầu hết những ca ghép mô tạng được lấy từ người hiến sống (7.902/8.302 ca, chiếm 95%), trong khi đó những ca ghép tạng từ nguồn hiến chết, chết não lại rất khiêm tốn (400 ca, chiếm 5%), đi ngược so với xu hướng trên thế giới. Tỷ lệ người dân Việt Nam đăng ký hiến tạng thấp nhất thế giới và tỷ lệ người hiến tạng sau chết não cũng thấp nhất. Mỗi ngày ước tính có khoảng 20-30 người chết vì thiếu tạng ghép, trong khi đó hàng ngày theo ước tính có khoảng 40-50 người chết vì tai nạn giao thông, bệnh tai biến... Ở Việt Nam hiện nay, hàng chục ngàn người vẫn đang chờ đợi được ghép gan, thận, tim… nên cần phải đẩy mạnh truyền thông, vận động cộng đồng, người dân hiểu rõ hơn nữa về ý nghĩa nhân văn to lớn của việc hiến mô, tạng sau khi qua đời.

Để tăng cường nguồn mô, tạng hiến tặng từ nguồn chết não nhằm cứu sống nhiều bệnh nhân suy mô, tạng và góp phần giải quyết nguy cơ nạn buôn bán mô, tạng, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để sớm ban hành trong thời gian tới.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 11841
Tổng lượt truy cập: 3.995.203
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!