Triển khai truy xuất “dấu chân carbon” cho trái thanh long tại Bình Thuận
Lần đầu tiên tại Việt Nam, hệ thống truy xuất “dấu chân carbon” cho trái thanh long đã được triển khai tại tỉnh Bình Thuận, vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước.
Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Bình Thuận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) hỗ trợ tham gia dự án “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) của Việt Nam”.
Mục tiêu chung của dự án là thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, hỗ trợ và thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung sản xuất thanh long theo hướng xanh, sạch; đào tạo, hướng dẫn nông dân chuyển đổi thực hành sản xuất canh tác theo hướng bền vững, phát thải carbon thấp.
Dự án được triển khai tại 4 hợp tác xã và doanh nghiệp của 3 huyện sản xuất thanh long trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, với tổng số người hưởng lợi gần 4.500 người. Đến nay, 100% hộ thành viên tham gia dự án đã chuyển đổi từ đèn compact sang sử dụng đèn LED tiết kiệm điện; áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm; ứng dụng nhật ký điện tử trong sản xuất; tập trung sản xuất thanh long đạt chứng nhận GlobalGAP để ký kết các hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu hàng đi thị trường cao cấp.
“Qua dự án đã có trên 80.000 bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng được chuyển đổi, nông dân tiết kiệm hơn 50% điện năng tiêu thụ, góp phần giảm tới 68% lượng khí thải; áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đã giảm 41,67% lượng nước sử dụng; đẩy mạnh công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng xanh qua việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ đóng gói sản phẩm và phục vụ tưới”, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, thông tin.
Ảnh minh họa
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết, dự án đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử tại các hợp tác xã, doanh nghiệp thanh long trên địa bàn. Hệ thống được phát triển với sự tham vấn của nông dân địa phương, cho phép theo dõi thời gian thực và truy cập vào số liệu thống kê cập nhật về lượng khí thải carbon. Từ đó, thông qua mã QR trên từng trái thanh long, người dùng có thể truy xuất nguồn gốc tính minh bạch của sản phẩm. Tính đến cuối năm 2023 đã có khoảng trên 8.600 lượt hécta, tương đương 23.300 tấn thanh long đã được theo dõi phát thải carbon.
Ông Phan Văn Tấn cho biết thêm, công cụ truy xuất nguồn gốc điện tử gắn với theo dõi “dấu chân carbon” và ứng dụng quản lý thông minh sẽ được đẩy mạnh, qua đó hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch và có trách nhiệm với môi trường. Trong năm 2023, Sở NN-PTNT tỉnh đã mở rộng hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử, cho phép ghi nhật ký điện tử cho các sản phẩm cây trồng chính của địa phương như thanh long, táo, sầu riêng… Hiện đơn vị đang tiếp tục giao các đơn vị liên quan nghiên cứu và mở rộng triển khai thêm trên một số cây trồng khác.
Để hỗ trợ Việt Nam nhân rộng kết quả của dự án, UNDP đang làm việc với Bộ NN-PTNT nhằm đề xuất đề án chuyển đổi phát triển thanh long bền vững, carbon thấp tại các vùng sản xuất thanh long trọng điểm đến năm 2030. Đề án sẽ chuẩn hóa các thực hành thanh long bền vững, carbon thấp, khuyến khích cách tiếp cận tuần hoàn và đề xuất các mô hình tài chính để nhân rộng mô hình đã triển khai tại tỉnh Bình Thuận.
https://vietq.vn/