Còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Ngày 19/4, tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã tham dự và có bài phát biểu.
Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới 2024. Ảnh: MOST
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, với sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, sự hỗ trợ của các tổ chức, bạn bè quốc tế, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện.
Các điều kiện khung phục vụ phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã được hình thành, bao gồm các chính sách đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ; đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ; đơn giản hóa thủ tục hành chính; triển khai các quỹ hỗ trợ, phát triển, tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện cơ chế tự chủ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo v.v
Doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hoạt động đổi mới sáng tạo, đưa nội dung này trở thành trung tâm của các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, hoạt động đổi mới sáng tạo thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chẳng hạn, Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam đã tăng 13 bậc, từ vị trí 59 năm 2016 lên vị trí 46 năm 2023, và hiện đang duy trì trong nhóm đứng đầu của nhóm các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2017, Việt Nam đã sử dụng GII như một công cụ quan trọng nhằm tham khảo, xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Dựa trên bộ chỉ số GII, từ năm 2023, Bộ KH&CN đã xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) để triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Kết quả đánh giá vừa được công bố vào tháng 3 cho thấy, hầu hết các địa phương có chỉ số PII tốt nhất đều thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (trung bình 45.17 điểm) và Đông Nam Bộ (trung bình 44.81 điểm). Các tỉnh, thành đều có dư địa để cải thiện PII. Và việc có duy trì được thứ hạng trong các năm tiếp theo hay không phụ thuộc vào việc điều chỉnh các định hướng, chiến lược phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang tạo ra một thế hệ doanh nghiệp startup mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Việt Nam đã xây dựng các mạng lưới năng động từ cả khu vực công và khu vực tư để hỗ trợ những doanh nghiệp này. Các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia đang được hình thành tại ba - thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM - bên cạnh các trung tâm khởi nghiệp đang được xây dựng ở gần 20 địa phương để kết nối các nguồn lực.
Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được, trong giai đoạn tới, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa nhằm góp phần trực tiếp vào tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào vốn và lao động truyền thống, sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Hội thảo khoa học về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Các báo cáo tham luận tập trung vào: Tổng quan về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tại Việt Nam, chính sách và định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia; công cụ đo lường đổi mới sáng tạo cấp ngành; hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Xem tài liệu hội thảo tại đây. https://khoahocphattrien.vn/